
|
Lực lượng tuần duyên Italy vừa giải cứu hơn 1.100 người trên các con thuyền quá tải ở vùng biển ngoài khơi Libya.
|
Người phát ngôn của lực lượng tuần duyên Italy cho biết thi thể 1 nạn nhân đã được phát hiện trên 1 con tàu đánh cá, trong khi những thi thể khác được vớt lên từ biển sau khi 10 người di cư nhảy hoặc ngã xuống nước khi các đội cứu hộ tiếp cận thuyền của họ.
Theo người phát ngôn trên, tàu của Hải quân Italy và lực lượng tuần duyên nước này đã phối hợp với 2 tàu của các tổ chức nhân đạo tham gia chiến dịch giải cứu người di cư trên biển. Chỉ trong trong 3 ngày từ 28/7đến 31/7, các chiến dịch cứu hộ đã cứu được tổng cộng 6.530 người di cư.
Italy đã trở thành quốc gia cửa ngõ đón nhận làn sóng di cư từ các nước châu Phi tới châu Âu từ 3 năm qua. Tính từ đầu năm 2016 tới nay, có 90.000 người di cư đã vượt biển tới quốc gia này. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ước tính khoảng 3.000 người trong đó có cả trẻ em đã thiệt mạng trên suốt hành trình này.
Cùng ngày, lực lượng cứu hộ hàng hải của Tây Ban Nha cũng đã giải cứu 74 người di cư chen chúc trên 3 con thuyền nhỏ đang tìm cách vượt biển Địa Trung Hải. Theo thông báo của lực lượng trên, các đơn vị đã giải cứu được 25 người di cư từ 1 con thuyền. Vài giờ sau đó, 49 người di cư khác cũng đã được giải cứu trong 2 chiến dịch riêng biệt. Hiện không có báo cáo về tình trạng thương vong của những người di cư vừa được giải cứu. Thuyền trưởng của những tàu trên cho biết họ đang tìm cách đưa người di cư tới vùng biển phía Đông Nam của Tây Ban Nha.
Cũng liên quan tới vấn đề người di cư, ngày 31/7, cảnh sát Hy Lạp đã bắt giữ 26 người biểu tình quá khích, trong đó có 9 ngời nước ngoài, xông vào một nhà thờ ở thành phố Thessaloniki, miền Bắc nước này rải truyền đơn nhằm phản đối việc trục xuất những người di cư ra khỏi các tòa nhà bỏ không trong khu vực. Cảnh sát cho biết những người này bị cáo buộc có hành vi phá hoại "địa điểm tâm linh". Hoạt động biểu tình nổ ra sau khi giới chức địa phương hồi tuần trước cưỡng chế người di cư ra khỏi 3 tòa nhà bỏ không mà các nhà hoạt động và các nhóm cứu trợ chiếm dụng để giúp đỡ người di cư.
Theo ước tính, hơn 2.000 người di cư hiện đang trú ngụ tại các địa điểm bỏ hoang bị chiếm dụng kiểu này. Giới chức các địa phương đã có những biện pháp mạnh tay do lo ngại nguy cơ dịch bệnh và an ninh từ những địa điểm này./.
Nguyễn Thơ