Theo thông tin từ Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhìn Kỳ đưa tin: Sau trận động đất ở trung tâm Kahramanmaraş, được mô tả là "thảm họa của thế kỷ", các nhóm làm việc trên đống đổ nát của một tòa nhà đã xác định rằng một người còn sống.
Nhờ công việc được thực hiện bởi các đội tìm kiếm và cứu hộ đến từ Pakistan và Việt Nam, cũng như AFAD, thanh niên Abuzer Baran Bakır đã được giải cứu khỏi đống đổ nát.
Bakır năm nay 17 tuổi đã được giải cứu khỏi đống đổ nát trong giờ thứ 138 của trận động đất và được xe cấp cứu đưa đến bệnh viện.
Trong ngày hôm nay (12/2) bộ phận điều phối Thổ Nhĩ Kỳ phân công Đội cứu nạn, cứu hộ Việt Nam và Pakistan phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Các thiết bị cơ giới cũng được thay đổi, đảm bảo hiệu quả hoạt động liên tục để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn.
Đội cứu hội 2 nước Việt Nam và Pakistan triển khai phương án tiếp cận nạn nhân.
Thông tin từ hiện trường cho biết, các lực lượng đã sử dụng camera tìm thấy 3 nạn nhân đã tử vong và đang triển khai phương án đưa họ ra ngoài!
Lực lượng cứu hộ nỗ lực tiếp cận nạn nhân.
Vượt qua bộn bề những khó khăn do điều kiện thời tiết, ngôn ngữ, sinh hoạt và hiện trường hết sức phức tạp của thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đội cứu nạn quốc tế Công an nhân dân Việt Nam vẫn nỗ lực chạy đua với thời gian, "xuyên ngày đêm, xuyên băng tuyết, giá rét,..." lật từng viên gạch, mảng bê tông tìm kiếm người bị nạn, đưa họ trở về với người thân.
Sáng 12/2, thông tin về kết quả công tác tìm kiếm, cứu nạn ngày 11/2/2023 (ngày đầu tiên) của Đội Cứu nạn cứu hộ CAND Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, Đội cứu nạn, cứu hộ đã phát hiện nạn nhân sống sót và phối hợp các lực lượng quốc tế giải cứu nạn nhân 14 tuổi trong đống đổ nát.
Theo đó, 7h30' sáng ngày 11/2, Đội cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Bộ Công an đã tiếp cận hiện trường. Tại đó, Đội được Ban Tổ chức phân công tìm kiếm cứu nạn người dân trong khu vực sập đổ. Thông tin chính xác vào thời điểm đó là có 10 người bị vùi lấp.
Với việc sử dụng thiết bị chuyên dụng của Việt Nam và sự hỗ trợ phương tiện cơ giới của nước bạn như máy xúc, máy đào, lực lượng CNCH Việt Nam đã tiến hành công việc rất tích cực từ 7h30' sáng đến 6h30 phút chiều cùng ngày gần như dọn dẹp hầu như sạch hiện trường, loại bỏ các yếu tố gây nguy hiểm và gây sập thứ cấp.
Đồng thời sự dụng camera dò tìm, phát hiện bằng hình ảnh, âm thanh và đã phát hiện dấu hiệu của sự sống với hai âm thanh khác nhau (dự đoán có hai người còn sống sót) trong khu vực sập đổ.
Đội đã xác định vị trí gần nhất để tiếp cận nạn nhân và tiếp tục đi từ vị trí được phá dỡ sâu vào trong 6m theo một đường hẹp chỉ vừa một người chui vào được.
Tiếp tục phát hiện rất rõ dấu hiệu của nạn nhân có âm thành dội ra, Đoàn đã giao tiếp với nạn nhân với những câu chào, hỏi thăm sức khỏe "Hello" "How are you?"... và có tín hiệu đáp lại của nạn nhân.
Ngay sau khi phát hiện sự sống, Đội CNCH của Việt Nam đã phối hợp cơ quan điều phối của Thổ Nhĩ Kỳ để huy động thêm lực lượng và thiết bị của các lực lượng đến từ các nước khác phối hợp ứng cứu với mục tiêu nhanh chóng cứu sống nạn nhân.
Lúc đó, có lực lượng quân đội của Pakistan làm việc ngay giáp lưng tòa nhà nơi lực lượng Việt Nam thực hiện nhiệm vụ. Đội CNCH của nước bạn Pakistan cũng đã phối hợp dùng sóng siêu âm xác định vị trí nạn nhân và lên phương án phối hợp với Đội Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ tìm cứu người bị nạn.
Từ việc phối hợp đó, Đội Việt Nam đề nghị Đội CNCH của quân đội Pakistan cùng tiếp cận theo các hướng. Đội Pakistan đã tiếp cận phía sau tòa nhà nơi họ đang làm nhiệm vụ. Đội Việt Nam ở hướng trước của tòa nhà nơi Đội được phân công nhiệm vụ.
Sau 30 lúc 22h10'phút tiến vào theo hướng hông nhà, Đội CNCH Pakistan đã đưa được một nạn nhân khoảng 14 tuổi ra khỏi đống đổ nát. Lúc đó, cảm xúc vỡ òa của người nhà, người thân và các lực lượng quốc tế tham gia CNCH tại hiện trường.
Ngay sau đó, Đội trưởng Đội CNCH của Pakistan đã đến gặp Đại tá Nguyễn Minh Khương, trưởng đoàn Việt Nam để cảm ơn Đội CNCH của Việt Nam đã phối hợp hiệu quả, phát hiện nạn nhân, dọn dẹp hiện trường để họ có thể thực hiện công việc cuối cùng là đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm an toàn.
Trung tá Đào Duy Thương, Phó Giám đốc Trung tâm huấn luyện và ứng phó về công tác phòng cháy, chữa cháy chia sẻ về công tác cứu hộ tại hiện trường.
Thông tin từ hiện trường, Trung tá Đào Duy Thương, Phó Giám đốc Trung tâm huấn luyện và ứng phó về công tác phòng cháy, chữa cháy chia sẻ: Trước khi đến hiện trường qua ti vi, báo chí, internet,… mọi người ít nhiều cũng đã biết về mức độ thảm họa nghiêm trọng của trận động đất này. Nhưng khi tới hiện trường, "cảm xúc rất khó nói. Toàn bộ thành phố bị sập xuống như vừa trải qua một trận chiến khốc liệt".
Theo Trung tá Đào Duy Thương, vụ cứu nạn, cứu hộ nào cũng có những khó khăn, nhưng với trường hợp này có đặc thù đó là lực lượng phải di chuyển rất xa, mất 2 ngày đi đường mới tới được khu vực xảy ra thảm họa.
Khối lượng hàng hóa, trang thiết bị, vật tư mang theo rất lớn phải di chuyển đường dài cũng gây những khó khăn nhất định cho đoàn. Bên cạnh đó, nhiệt độ thời tiết rất thấp ở nước bạn cũng là những thử thách mà chúng ta chưa từng gặp phải ở trong nước.
Trung tá Đào Duy Thương: Toàn bộ thành phố bị sập xuống như vừa trải qua một trận chiến khốc liệt.
Trung tá Đào Duy Thương cho biết: Người dân và lực lượng chức năng của nước bạn đánh giá cao sự giúp sức của chúng ta, nhiệt tình giúp đỡ, phối hợp, tạo mọi điều kiện có thể cho chúng ta thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.
Tuy nhiên do khác biệt về ngôn ngữ - Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là một thách thức, "nhiều khi phải dịch qua, dịch lại qua ngôn ngữ trung gian" nên cũng gây ra những trở ngại cho công tác cứu nạn, cứu hộ của Đoàn.
Trung tá Nguyễn Chí Thành: Bằng tình yêu đồng loại, tinh thần nhân ái, nhân đạo và tình hữu nghị quốc tế toàn đội đã không nề hà, đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội Cứu nạn, cứu hộ, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an TPHCM: Khi nhận được lệnh của Bộ Công an, đơn vị đã chuẩn bị những phương tiện đặc chủng, hiện đại nhất để đem theo đến hiện trường. Những trang thiết bị này đã phục vụ cứu nạn, cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn động đất rất thiết thực, hiệu quả.
Chia sẻ về những khó khăn bộn bề các cán bộ, chiến sĩ công an phải đối mặt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trung tá Nguyễn Chí Thành bày tỏ: Bằng tình yêu đồng loại, tinh thần nhân ái, nhân đạo và tình hữu nghị quốc tế toàn đội đã không nề hà, đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thiếu tá Nguyễn Văn Cần: Chúng tôi đã tiếp cận rất gần đến người bị nạn rồi, chỉ còn một chút xíu nữa thôi, người bị nạn sẽ được đưa ra ngoài để về với người thân của họ.
Thông tin về những kết quả ban đầu, Thiếu tá Nguyễn Văn Cần, Phó Trưởng khoa Cứu nạn, cứu hộ Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy cho biết: Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện thời tiết, ngôn ngữ, điều kiện sinh hoạt cũng như hiện trường sập đổ do động đất gây ra rất phức tạp, nhưng anh em trong đội vẫn chạy đua với thời gian, cố gắng thu được những kết quả tốt nhất.
"Chúng tôi đã tiếp cận rất gần đến người bị nạn rồi, chỉ còn một chút xíu nữa thôi, người bị nạn sẽ được đưa ra ngoài để về với người thân của họ", Thiếu tá Nguyễn Văn Cần nói.
Chiều tối 11/2, thông tin từ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, cho biết, tại hiện trường Đoàn cứu nạn quốc tế của Công an nhân dân Việt Nam đã tiếp cận gần đến vị trí ngườ bị nạn tòa nhà trên Đường 531, Adıyaman Merkez, Adıyaman - địa điểm được cho là đã vùi lấp 15 người dân sau trận động đất kinh hoàng xảy ra vào ngày 6/2.
Khoảng 19h ngày 11/2 (giờ Việt Nam), Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an chỉ đạo trực tiếp nhóm tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường thông tin, Đoàn công tác cứu nạn quốc tế của Bộ Công an Việt Nam đã phát hiện những manh mối đầu tiên liên quan đến các nạn nhân bị vùi lấp trong đống đổ sập, cụ thể phát hiện nhiều mùi nặng của thi thể nạn nhân, đang tiếp cận gần đến vị trí người bị nạn.
Đại tá Nguyễn Minh Khương cho biết, chính quyền địa phương hỗ trợ máy cào (máy xúc), còn nhóm tìm kiếm cứu nạn phần lớn sử dụng thiết bị cầm tay. Máy cào đến đâu, lực lượng cứu hộ theo đó tìm kiếm đến từng ngóc ngách tại hiện trường của tòa nhà đổ sập.
Do khối lượng gạch, vữa đổ xuống rất lớn nên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam vẫn đang nỗ lực và hết sức khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria, trong những ngày qua, hai Đại sứ quán vẫn tiếp tục giữ liên lạc thường xuyên với các cơ quan chức năng sở tại, các đầu mối cộng đồng người Việt Nam tại địa phương để tìm hiểu thông tin về khả năng có người Việt bị thương vong trong trận động đất và chuẩn bị kế hoạch để triển khai nhanh chóng các biện pháp bảo hộ trong trường hợp cần thiết.
Hai Đại sứ quán cho biết, khu vực xảy ra động đất không có nhiều người Việt Nam sinh sống và đến nay chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị thương vong trong sự kiện này.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã ghi nhận 6 công dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi động đất, hiện đang rất khó khăn và thiếu thốn.
Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã liên lạc, thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tài chính và vật dụng để khắc phục phần nào khó khăn trong cuộc sống.
Cũng trong những ngày qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã nhiều lần trao đổi với chính quyền sở tại, chuyển lời thăm hỏi của Lãnh đạo Việt Nam và triển khai một số hoạt động thiết thực để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn như quyên góp ngày lương, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
Đại sứ quán Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại nhanh chóng giải quyết các thủ tục phát sinh, đón và đưa đoàn công tác Việt Nam gồm 24 chiến sĩ công an tới địa điểm cứu hộ trong chiều 10/2 và chuẩn bị đón 76 cán bộ, chiến sỹ Bộ Quốc phòng sẽ tới trong vài ngày tới.
Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, hai Đại sứ quán sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, kịp thời tiến hành các biện pháp bảo hộ và hỗ trợ công dân bị ảnh hưởng bởi trận động đất, tham gia cứu trợ, hỗ trợ nạn nhân của trận động đất theo khả năng và tình hình thực tế.
Tối 11/2, TTXVN đưa tin: Theo số liệu cập nhật từ cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, số người thiệt mạng trong thảm họa động đất kinh hoàng hôm 6/2 tại hai nước hiện đã lên tới hơn 25.000 người (cụ thể tại Thổ Nhĩ Kỳ là 21.848 người và tại Syria 3.553 người), ngoài ra số người bị thương là hơn 85.000 người.
Hãng thông tấn DHA cho biết cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 12 người liên quan đến các tòa nhà bị sập tại các tỉnh miền Đông Nam là Gaziantep và Sanliurfa, trong số này có các nhà thầu xây dựng.
Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có ít nhất 6.000 tòa nhà bị sụp đổ trong trận động đất có độ lớn 7,8 vừa qua. Giới chức cho biết số người thiệt mạng sẽ còn tiếp tục gia tăng.
Nhiệt độ tại nhiều khu vực vẫn ở mức âm và nhiều người không có nơi trú ẩn. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phân phát hàng triệu bữa ăn nóng, cũng như lều và chăn, nhưng vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận những người gặp nạn.
Trước đó, đại diện Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) - ông Sivanka Dhanapala cho biết hơn 5 triệu người ở Syria có thể đã mất nhà cửa sau trận động đất.
Sáng 11/2, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an cho biết, khoảng 3h30' sáng (giờ Thổ Nhĩ Kỳ), Đoàn công tác cứu nạn quốc tế gồm 24 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Công an Việt Nam đã đến khu vực tổ chức cứu nạn, cứu hộ thuộc đường 531, Adıyaman Merkez, Adıyaman (Thổ Nhĩ Kỳ).
Theo dự kiến ban đầu, Đoàn công tác cứu nạn quốc tế di chuyển từ sân bay ở thành phố Adana đến khu vực nêu trên khoảng 6 tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên, quãng đường di chuyển gặp nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, tuyết rơi nhiều, đường trơn trượt có nơi - 6 độ C… nên phải 10 tiếng sau đoàn mới đến nơi dù không ăn, nghỉ dọc đường.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an, ngay sau khi xuống xe, vào 1h giờ địa phương, Đoàn công tác đã làm việc với Ban tổ chức để nhận nhiệm vụ.
Đồng thời tiến hành lắp đặt, bố trí 15 tấn trang thiết bị mang theo... Đoàn công tác dựng lều trại dã chiến trong đêm với ánh sáng của những đèn pin.
Ban Tổ chức đã phân công Đoàn công tác nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ tại đống đổ nát của một toà nhà trên Đường 531, Adıyaman Merkez, Adıyaman – địa điểm được cho là đã vùi lấp 15 người dân sau trận động đất kinh hoàng xảy ra vào ngày 06/2.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, nhận định, nếu không xây dựng phương án cứu nạn, cứu hộ kỹ lưỡng, cụ thể, chi tiết sẽ rất dễ gặp tai nạn, nguy hiểm bởi những toà nhà ở đây vẫn có dấu hiệu sụp đổ bất kỳ lúc nào.
Sau khi Đại tá Nguyễn Minh Khương cùng 2 cán bộ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Công an TP Hồ Chí Minh làm việc với Ban tổ chức, Đoàn công tác cứu nạn quốc tế được giao nhiệm vụ chia 2 nhóm.
Nhóm thứ nhất nhóm tham gia cứu nạn theo sự phân công của Ban Tổ chức, nhóm thứ 2 chuẩn bị các hoạt động hỗ trợ thiết bị y tế tại khu vực có tòa nhà bị đổ sập, phía dưới có khoảng 15 nạn nhân bị vùi lấp.
Theo thông tin từ hiện trường, khu vực này vẫn đang rất nguy hiểm, vì một số tòa nhà có thể tiếp tục sụp đổ bất cứ lúc nào.
Do đó, ngay khi được phân công nhiệm vụ, nhóm tham gia cứu nạn đã tiến hành khảo sát hiện trường, lên phương án tìm kiếm người bị nạn.
Hiện chưa tìm thấy dấu hiệu nào của các nạn nhân bị mắc kẹt trong đống đổ nát nhưng Đoàn công tác Bộ Công an quyết tâm nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn, nguy hiểm để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ với hy vọng có phép màu để cứu sống người dân nơi đây.
Ngày hôm nay (11/2), Đoàn công tác của Bộ Công an chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 do đồng chí Đại tá Nguyễn Minh Khương trực tiếp chi đạo công tác tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường.
Nhóm 2 do đồng chí Đại tá Phan Mạnh Hà chỉ đạo việc sắp xếp các thiết bị, phương tiện, rà soát trang thiết bị y tế hỗ trợ phía bạn. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện để thay ca cho nhóm trực tiếp chiến đấu tại hiện trường.
Các chiến sĩ công an sử dụng Camera chuyên dụng, có khả năng luồn vào những khe nhỏ để tìm kiếm khả năng sống sót của nạn nhân dưới các công trình sập đổ.
Khoảng 12h30 (giờ địa phương - 16h30 giờ Việt Nam) ngày 10/2, Đoàn công tác cứu nạn quốc tế gồm 24 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Công an Việt Nam đã đến sân bay ở thành phố Adana thuộc tỉnh cùng tên của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đại diện của Ban Tổ chức và Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đón đoàn tại sân bay và chuẩn bị cho đoàn 3 chiếc xe ô tô để di chuyển.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an, sau khi tới sân bay, đoàn di chuyển tới thành phố Adiyaman, cách sân bay 300km.
Tại đây, đoàn sẽ phối hợp với các lực lượng cứu hộ quốc tế thực hiện việc đào bới, tìm kiếm dưới các đống đổ nát, các tòa nhà bị sập để tìm, giải cứu người mắc kẹt trong thảm họa động đất sáng 6/2.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với thảm họa thiên tai xảy ra ở rất xa lãnh thổ Việt Nam, phối hợp cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới đang nỗ lực cứu nạn, cứu hộ như El Salvador, Hàn Quốc, Algieria, Nga, Iraq, Mexico...
Bộ Công an đã lựa chọn những chiến sĩ, sĩ quan tinh nhuệ nhất, khỏe nhất, được đào tạo cơ bản, đã tham gia nhiều khóa tập luyện tại nước ngoài, sẵn sàng làm hết sức mình tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đại úy Nguyễn Tiến Huy, cán bộ Cục Đối ngoại (Bộ Công an), thành viên Đoàn công tác, cho biết: Thời tiết bên này rất lạnh, khắc nghiệt. Đoàn từ lúc xuất quân hôm qua tới giờ tranh thủ ăn nhanh rồi lại di chuyển liên tục không dừng.
Các thành viên trong đoàn cố gắng khắc phục những khó khăn như yếu tố thời tiết, thất lạc hành lý… để khi đến nơi sẽ bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ cứu nạn quốc tế.
Đại úy Nguyễn Tiến Huy chia sẻ thêm: Mặc dù đã tìm hiểu tình hình khá kỹ lưỡng từ trước, nhưng khi sang tới nơi, tận mắt chứng kiến, mới thấy cảnh tượng tan hoang đến khủng khiếp, rất xót xa. Các bạn Thổ Nhĩ Kỳ rất cảm kích nghĩa cử của Việt Nam. Bên cạnh đó, đoàn cũng nhận được sự hỗ trợ vô cùng nhiệt tình từ phía Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Chiều 9/2, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến công tác bảo hộ công dân.
Về thảm họa động đất kép tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, ông Đoàn Khắc Việt chia sẻ: "Một lần nữa, chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ và người dân của hai quốc gia này về những thiệt hại vô cùng to lớn mà thảm họa động đất gây ra. Trước đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có các hình thức chia buồn với Chính phủ và người dân hai nước".
Theo ông Đoàn Khắc Việt, những ngày qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã khẩn trương liên hệ với các cơ quan chức năng của hai nước sở tại và các đầu mối của cộng đồng người Việt Nam ở đây để tìm hiểu thông tin về khả năng có công dân Việt Nam gặp nạn.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria sẽ tiếp tục chủ động tích cực theo dõi sát vụ việc và sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.
Trả lời câu hỏi về việc Việt Nam hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cứu trợ thảm họa động đất, Phó Phát ngôn Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh: "Quan hệ giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Syria rất tốt đẹp. Chắc chắn, việc hỗ trợ cứu trợ thảm họa cũng được phía Việt Nam suy nghĩ tích cực".
Theo TTXVN, tính đến 17h30 ngày 10/2 (giờ địa phương), Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ chưa ghi nhận thông tin có công dân Việt Nam bị thương vong trong trận động đất tại nước này và đã cử đoàn công tác tham gia cứu trợ các nạn nhân của vụ động đất ở các tỉnh Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Nguyễn Phú Tân Hương, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán, cho biết ngoài việc liên hệ với chính quyền và cảnh sát địa phương của 10 tỉnh thành bị ảnh hưởng để tìm hiểu về thông tin người Việt, trực tiếp tham gia cứu trợ các nạn nhân, đoàn công tác còn tiếp đón và hướng dẫn các lực lượng Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn.
Bà Hương nhấn mạnh, có khoảng 200 người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ, phần lớn là các phụ nữ Việt lấy chồng Thổ Nhĩ Kỳ và có ít người Việt đang sinh sống tại 10 tỉnh Đông Nam bị ảnh hưởng bởi động đất.
Ngoài ra, bà Hương cho biết Hội người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng ra kêu gọi ủng hộ cho các nạn nhân của trận động đất.
Trước đó, ngày 8/2, trên tinh thần tương thân tương ái, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải, cùng toàn thể cán bộ nhân viên và gia đình đã tổ chức quyên góp tối thiểu một ngày lương, cũng như các vật dụng thiết yếu, chăn, quần áo ấm cho các nạn nhân của trận động đất.
Ngày 6/2, một trận động đất 7,8 độ Richter xảy ra ở miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ giáp Syria, khiến nhiều người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Liên quan đến sự việc này, ngày 6/2, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm Syria) liên hệ với cơ quan chức năng sở tại và bà con cộng đồng người Việt tìm hiểu thông tin và sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp có công dân Việt Nam là nạn nhân. Cho đến cuối ngày 6/2/2023, chưa ghi nhận thông tin có công dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần trợ giúp, công dân có thể liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân: