In bài viết

Cứu sống bệnh nhân người nước ngoài giữa “tâm dịch”

(Chinhphu.vn) - Ngày 21/2, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai có tiếp nhận một bệnh nhân nam, 72 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc, Giám đốc một Công ty TNHH Hàn Quốc đóng tại Hải Dương. Bệnh nhân được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương với chẩn đoán viêm phổi nặng biến chứng ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển ở người trưởng thành).

02/03/2021 18:50
Bệnh nhân đã tự đi lại được, không phải thở oxy và có thể trở về Hàn Quốc.
Ảnh: VGP/Phương Hồng
Trước đó, bệnh nhân bị khởi phát bệnh từ ngày 17/2, điều trị tại bệnh viện huyện Gia Lộc nhưng tình trạng không cải thiện và khó thở nặng lên, phải chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương điều trị tiếp.

Tại đây, tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, suy hô hấp rất nặng, tổn thương phổi tiến triển nhanh, kém đáp ứng với các biện pháp thở máy và hồi sức. Các tình trạng này được chẩn đoán là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, thường do nhiều nguyên nhân như cúm A/H1N1, vi khuẩn, đặc biệt là COVID-19…

Do ở vùng dịch tễ, nên bệnh nhân nhanh chóng được xét nghiệm và loại trừ bệnh COVID-19. Sau 2 ngày hồi sức không cải thiện, các bác sĩ thấy bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao nếu không được can thiệp tim phổi nhân tạo (ECMO). Do điều kiện vùng dịch nên việc mời các chuyên gia đến tận nơi hội chẩn bất khả thi. Ban Giám đốc Bệnh viện Hải Dương đã hội chẩn từ xa và xin ý kiến các chuyên gia về hồi sức cấp cứu. GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã thống nhất chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Bạch Mai để hồi sức cấp cứu.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đặng Quốc Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết, tình trạng người bệnh khi nhập viện luôn phải duy trì thở máy, tổn thương hai phổi nặng, oxy máu giảm mức độ nặng. Ban Giám đốc đã bố trí hội chẩn toàn viện ngay trong đêm để thực hiện các biện pháp điều trị như thông khí nhân tạo với chiến lược bảo vệ phổi, lọc máu liên tục, dùng kháng sinh phổ rộng. Bằng các biện pháp hồi sức tích cực, sau 3 ngày, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cải thiện tốt, được rút nội khí quản, thở oxy và tiếp tục các biện pháp phục hồi chức năng.

Sau 8 ngày điều trị, đến nay bệnh nhân đã tự đi lại được, không phải thở oxy và có thể trở về Hàn Quốc. Bệnh nhân chia sẻ, vì mắc bệnh nặng, phải có nhiều máy móc hỗ trợ, lại ở một đất nước khác, không có người nhà chăm sóc nên bệnh nhân có cảm giác như được sinh ra lần thứ hai.

PGS.TS Đặng Quốc Tuấn cho biết, đối với các trường hợp nặng nói chung, trường hợp bệnh nhân này nói riêng, để đạt được kết quả tốt thường phải có sự phối hợp tốt giữa các chuyên gia của nhiều khoa phòng. Đặc biệt, đây là một người bệnh nguy kịch, trong vùng dịch COVID-19 đang bị phong tỏa, đã được các bác sĩ nỗ lực cứu sống bằng sự phối hợp giữa Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện vệ tinh như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.

“Việc phối hợp giữa các tuyến y tế bằng các hình thức hội chẩn từ xa như Telehealth đang mang lại lợi ích to lớn cho người bệnh”, PGS.TS Đặng Quốc Tuấn cho biết.

Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (viết tắt là ARDS), là tình trạng tổn thương phổi lan tỏa, tiến triển nhanh, do nhiều nguyên nhân và rất thường gặp trong các khoa hồi sức cấp cứu. ARDS chiếm khoảng 24% số bệnh nhân thở máy trong các khoa Hồi sức tích cực (ICU). COVID 19 là một trong những nguyên nhân mới nổi gây tình trạng ARDS rất nặng. Hiện nay đã có hơn 110 triệu người nhiễm COVID-19. Điều này dẫn tới lo ngại về tình trạng thiếu giường ICU trong đại dịch này.

Mặc dù có rất nhiều tiến bộ trong điều trị như thông khí theo chiến lược bảo vệ phổi, thông khí nằm sấp, lọc máu, ECMO… nhưng tỉ lệ tử vong của bệnh này lên đến 70%. Các trường hợp ARDS không đáp ứng với các biện pháp hồi sức tích cực thì ECMO là một giải pháp cứu nguy. Tuy nhiên, chỉ có 75% số bệnh nhân được chuyển đến các trung tâm ECMO được thực hiện ECMO. Còn lại, 25 % không được thực hiện ECMO có thể do tử vong trong quá trình vận chuyển.

Phương Hồng