Tại Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 80 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng. Tại TPHCM, đến nay, đã 97 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia, kể khi dịch bệnh bùng phát hồi đầu năm đến thời điểm này, cả nước đã có 1.210 người mắc bệnh (3 ca mắc mới nhất được công bố vào lúc 6h sáng ngày 6/11, đều là các ca nhập cảnh và được cách ly, điều trị tại Khánh Hòa).
Tiểu ban Điều trị cho biết đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.069/1.210 bệnh nhân mắc COVID-19 và nước ta không còn trường hợp bệnh nhân nào nặng.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 18 ca; số ca âm tính lần 2 là 7 ca và số ca âm tính lần 3 là 5 ca.
Số ca tử vong ở nước ta đến nay vẫn là 35 ca (Đà Nẵng 31, Quảng Nam 3, Quảng Trị 1). Họ đều là những người có nhiều bệnh lý nền nặng.
Lực lượng chống dịch luôn phải “trực chiến”
Đây là yêu cầu mà Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đặt ra tại cuộc họp ngày 2/11.
Sau khi thảo luận kỹ và thống nhất một số giải pháp phòng, chống dịch phải thực hiện nghiêm trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo yêu cầu phải thực hiện nghiêm các quy định về đeo khẩu trang theo đúng chỉ thị của Thủ tướng, đây là biện pháp quan trọng hàng đầu phòng, chống COVID-19. Hiện nay, TPHCM, TP. Hà Nội đã yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, có biện pháp xử phạt các trường hợp vi phạm. Thời gian tới, các tỉnh, thành phố cũng phải tăng cường kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm quy định đeo khẩu trang, đặc biệt tại cơ sở y tế; chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; phương tiện giao thông công cộng; cơ sở lưu trú, khách sạn; các cơ sở thực hiện cách ly; bến xe, cảng hàng không, ga tàu; nhà máy, xí nghiệp; các sự kiện văn hóa, thể thao tập trung đông người…
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện phòng, chống dịch ở các địa phương, trong đó có việc tự đánh giá mức độ an toàn dịch bệnh, cập nhật theo thời gian thực lên Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19 (tại địa chỉ www.antoancovid.vn) đối với cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy, công sở…
Hà Nội tăng cường phòng chống dịch
Sau khi ghi nhận 1 chuyên gia người Israel dương tính với COVID-19 (kết quả xét nghiệm công bố vào ngày 3/11) và 2 nhân viên khách sạn có tiếp xúc gần với chuyên gia nói trên (đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2), ngày 4/11, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện tăng cường kiểm tra công tác phòng dịch và có phương án để sẵn sàng đáp ứng nếu dịch bệnh xảy ra
Đặc biệt, các khách sạn, cơ sở lưu trú thực hiện nghiêm việc cách ly người nhập cảnh. Khi tiếp xúc với các trường hợp đang cách ly, nhân viên khách sạn phải mặc đồ bảo hộ.
UBND TP. Hà Nội cũng quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19 tại 30 quận, huyện, thị xã và các đoàn công tác này thực thi nhiệm vụ từ ngày 5/11.
Dự kiến trong tháng 11, Việt Nam tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người. Ảnh minh họa |
Dự kiến trong tháng 11, Việt Nam thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người
Bộ Y tế đang xem xét phê duyệt hồ sơ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 (thử nghiệm trên người) vaccine COVID-19 do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen nghiên cứu, sản xuất.
Theo đề xuất của đơn vị sản xuất, trong giai đoạn 1, vaccine sẽ được sử dụng để tiêm thử nghiệm trên 60 người tình nguyện. Trước đó, vaccine này cũng đã được gửi ra nước ngoài làm test thử thách trên động vật linh trưởng để đánh giá tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch trên động vật.
Bộ Y tế, cho biết, sau khi có kết quả thử nghiệm trên động vật, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa cho nhà sản xuất để triển khai thử nghiệm lâm sàng trên người.
Bên cạnh đó, Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cũng đã bắt đầu thử nghiệm tiền lâm sàng vaccine COVID-19 trên khỉ vàng Macaca mulatta (loài khỉ được nuôi dưỡng trên đảo Rều, Quảng Ninh). Kết quả thử nghiệm trên khỉ sẽ là căn cứ để thực hiện các bước thử nghiệm tiếp theo và đề xuất thử nghiệm trên người.
Thanh Xuân