Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, chỉ trong hai tháng 7 và 8/2023, hàng loạt vụ trượt lở, sạt trượt, nứt đất đã xảy tại Tây Nguyên. Tại đồng bằng sông Cửu Long, từ nhiều năm qua, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển diễn biến rất phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về phạm vi và quy mô. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra, đánh giá trên hiện trường và có những chỉ đạo quyết liệt nhằm giảm thiểu tác động của tai biến thiên nhiên.
Từ nhiều năm trước, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã có những nghiên cứu tiên phong đánh giá về vấn đề thiên tai. Qua hơn 30 năm nghiên cứu, đã xây dựng và phát triển hệ thống phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu nhằm đánh giá nguy cơ tai biến, giám sát và tiến tới cảnh báo sớm, cảnh báo gần với thời gian thực.
Trước những diễn biến trượt lở, nứt đất tại Tây Nguyên, thực hiện nhiệm vụ đột xuất "Khảo sát, đánh giá sơ bộ tai biến trượt lở, sạt lở tại Lâm Đồng và Đắk Nông và đề xuất phương án chi tiết", Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức đoàn công tác nhằm khảo sát, đánh giá sơ bộ hiện trạng, nguyên nhân, làm căn cứ cho các đề xuất, định hướng.
TS. Trần Quốc Cường, Uỷ viên Hội đồng khoa học ngành Các khoa học Trái Đất, Phó Viện trưởng Viện Địa chất, Trưởng Đoàn khảo sát cho biết, trong tháng 8, đoàn đã khảo sát 19 vị trí mới xảy ra sạt lở từ tháng 6-8/2023, trong đó Đắk Nông: 7 vị trí; Lâm Đồng: 12 vị trí.
Qua khảo sát, phân tích, đoàn đã đưa ra kết luận, khu vực Nam Tây Nguyên bao gồm tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và phụ cận có nhiều đặc điểm về địa chất, địa chất thủy văn khác biệt so với các khu vực còn lại của Tây Nguyên và càng khác biệt với trượt lở ở khu vực miền núi phía bắc. Đặc biệt các yếu tố địa chất này rất nhạy cảm với tai biến trượt lở.
Nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này là sự có mặt các lớp đất đá yếu trong các hệ tầng địa chất, phân bố nhiều ở vùng Nam Tây Nguyên. Mưa lớn dài ngày và các hoạt động xây dựng công trình đã tác động vào các khu vực vốn xung yếu về địa chất, sẵn nhạy cảm với trượt lở, đã làm phát sinh chúng. Tuy nhiên, hiện tượng mưa kéo dài như thời gian qua ở Tây Nguyên đã từng xảy ra, không phải hiếm gặp.
Trượt- nứt đất ở các tỉnh vùng Nam Tây Nguyên, trong các tháng 6, 7, 8, đã phát triển dồn dập, trên nhiều đối tượng dân cư - công trình, gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới an sinh - kinh tế. Tai biến trượt- nứt đất khu vực này đã đạt tới một quy mô rất lớn. Diện phá hủy của một số điểm trượt vượt quá 10-15 ha, hiếm gặp ở các vùng khác trên cả nước.
Phần lớn các điểm trượt- nứt đất quy mô lớn đã xuất hiện ở Nam Tây Nguyên mới ở giai đoạn đầu, đang tiếp tục phát triển, đe dọa phá hủy toàn bộ các công trình xây dựng đã đầu tư và các khu dân cư.
Trượt - nứt đất quy mô lớn có nhiều khả năng lan rộng ở Nam Tây Nguyên, khi các yếu tố tác động từ xây dựng công trình, từ khai thác tài nguyên, khai thác khoáng sản chưa được điều chỉnh cho thích hợp với đặc điểm địa chất xung yếu của toàn vùng.
Theo TS. Trần Quốc Cường, để hiểu rõ hơn và chắc chắn hơn nguyên nhân phát triển nứt-trượt lở đất ở Tây Nguyên và các giải pháp ứng phó, cần có sự đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu KHCN các hiện tượng này.
Các nghiên cứu/nhiệm vụ khoa học trong thời gian tới về trượt lở, sạt trượt, nứt đất tại Nam Tây Nguyên cần phục vụ cho quy hoạch ở các tỉ lệ khác nhau và có được các biện pháp giảm thiểu thiệt hại, trong đó chú trọng tới kỹ thuật, công nghệ giám sát, cảnh báo thời gian thực tai biến trượt lở theo diện và theo điểm.
Đồng thời cần tăng cường sự phối hợp giữa các ban ngành của tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông với Bộ KH&CN và các tổ chức khoa học nói chung, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nói riêng trong nghiên cứu, nhận diện và xử lý các tai biến.
Nhằm có đủ các căn cứ khoa học để đánh giá đúng các tai biến trượt lở, sạt trượt, nứt đất trong thời gian qua tại Nam Tây Nguyên, đoàn công tác đề xuất nhiệm vụ đột xuất cấp bách, đó là xác định mức độ nguy hiểm của trượt lở - nứt đất năm 2023 ở các khu vực trọng điểm vùng Nam Tây Nguyên và đề xuất giải pháp xử lý, giảm thiểu thiệt hại; xây dựng hệ thống giám sát trượt lở đất và hệ thống quản lý thông tin phục vụ cảnh báo thời gian thực tại các khu dân cư và tuyến đường giao thông trọng điểm khu vực Nam Tây Nguyên.
Về trung hạn, giai đoạn 2025-2030, cần có một số cụm nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu về trượt lở, nứt đất trên cơ sở lựa chọn đúng đối tượng và tỉ lệ nghiên cứu phù hợp. Đặc biệt chú trọng tới khả năng sử dụng kết quả trong quản lý, giám sát, và giải pháp xử lý các vị trí trượt lở, nứt đất.
Hoàng Giang