In bài viết

Đa dạng hóa các nguồn vốn thực hiện CT mục tiêu quốc gia

(Chinhphu.vn) – Tại dự thảo Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất quy định về huy động nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

01/06/2016 17:18

Ảnh minh họa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong giai đoạn vừa qua, việc quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện theo các quy định tại Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 4/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (Quy chế 135).

Về huy động nguồn vốn, Quy chế 135 mới chỉ quy định về phân bổ, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (chủ yếu là ngân sách Trung ương), chưa quy định cơ chế huy động các nguồn vốn khác làm căn cứ để các cơ quan thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia chủ động xây dựng giải pháp huy động các nguồn lực đảm bảo thực hiện được mục tiêu của chương trình.

Đa dạng hóa các nguồn vốn

Tại dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất quy định về huy động nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia như sau:

Huy động nguồn vốn để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng đa dạng hóa các nguồn vốn. Cơ quan thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ở Trung ương, địa phương có trách nhiệm huy động và đảm bảo nguồn lực (ngoài nguồn vốn huy động từ ngân sách trung ương) để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành Nghị quyết về tỷ lệ đối ứng từ ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Huy động từ người dân, các cộng đồng dân cư thụ hưởng gồm ngày công lao động, tiền mặt, vật liệu ở địa phương, đất đai và tài sản trên đất… Việc huy động nguồn lực từ người dân và cộng đồng dân cư để thực hiện chương trình phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, hợp lý, có tính đến đặc điểm kinh tế - xã hội, mức độ khó khăn của từng địa phương; đảm bảo các nguyên tắc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình theo quy định về việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Nguồn lực huy động hợp pháp từ các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân ở trong và ngoài nước. Huy động nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, bao gồm: nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước, nguồn vốn vay thương mại.

Theo dự thảo, thực hiện cơ chế huy động vốn bằng các hình thức hỗ trợ trực tiếp cho chương trình, cơ chế để lại số thu tại mỗi cấp ngân sách, lồng ghép các nguồn có những chương trình, dự án có cùng mục tiêu trên địa bàn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Tuệ Văn