Ngày 18/3, Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTB&XH) phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo tham vấn xây dựng hướng dẫn thực hiện đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo, phát triển mô hình giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Ông Tô Đức, Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo cho biết, Chương trình giảm nghèo quốc gia mới có rất nhiều sự thay đổi từ thiết kế, mục tiêu đến nội dung dự án. Chương trình hỗ trợ cho người nghèo, cộng đồng nghèo theo hướng đa chiều. Đặc biệt, hai chiều chính là nâng cao thu nhập và hỗ trợ những thiếu hụt cơ bản.
Có thể thấy, mục tiêu là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt nghèo.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 sẽ được thực hiện trên phạm vi cả nước với tổng nguồn vốn thực hiện là 75.000 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương chiếm 48.000 tỷ đồng, vốn địa phương là hơn 12.000 tỷ đồng và vốn huy động hợp tác là hơn 10.000 tỷ đồng.
Trọng tâm thực hiện chương trình là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Chương trình phấn đấu tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3 %/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm.
Nhấn mạnh đến phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững - một trong những dự án của Chương trình giảm nghèo quốc gia giai đoạn 2021 -2025, ông Tô Đức cho biết: "Qua các đánh giá, Bộ LĐTB&XH thấy rằng, tại một hộ dân chỉ cần có một lao động được đào tạo nghề nghiệp thì người lao động sẽ có cách tiếp cận thị trường lao động để tạo ra nguồn thu nhập. Đây là cách thoát nghèo hiệu quả, bền vững, hướng đến mục tiêu đa dạng sinh kế cho người nghèo".
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều mô hình giảm nghèo bền vững ở các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số như mô hình du lịch cộng đồng; mô hình liên kết phát triển thị trường sản xuất và tiêu thụ sản xuất; mô hình sinh kế cho hộ đăng kí thoát nghèo bền vững; mô hình liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp…
Theo bà Vũ Thị Quỳnh Anh, Phó cố vấn trưởng Dự án Great với mô hình phụ nữ liên kết kinh doanh, tham gia vào chuỗi xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch tại 2 tỉnh Sơn La và Lào Cai, chương trình đã thực hiện được 5 năm và thu hút được 27.000 phụ nữ tham gia, trong đó 70% là phụ nữ dân tộc thiểu số từ 20 nhóm dân tộc.
Trong 3 năm, đã có 15.000 phụ nữ tăng thu nhập, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID - 19, phụ nữ đã được tạo điều kiện tham gia chuỗi liên kết trong 10 ngành hàng nông nghiệp và du lịch; liên kết với các doanh nghiệp, tăng cường kỹ năng sinh kế cơ bản cho các hội phụ nữ như làm dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng, quản lý tài chính, quản lý tổ nhóm…; tham gia các thị trường có giá trị gia tăng cao hơn.
Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển mô hình giảm nghèo, ông Đoàn Hữu Minh, đại diện UNDP cho rằng, cần có cơ chế để tránh chồng chéo các chương trình. Bên cạnh đó, các dự án, mô hình liên quan đến phát triển sinh kế, tạo thu nhập từ Chương trình mục tiêu quốc gia cần đảm bảo tính bổ trợ lẫn nhau theo chuỗi giá trị, tạo cơ chế mở.
Mô hình phát triển sinh kế, hoạt động theo cơ chế thị trường, các mô hình kinh tế tập thể phải có sự đóng góp của các thành viên, phù hợp với quy mô tài chính và minh bạch về thông tin. Đồng thời, có hỗ trợ đắc lực từ chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, hình thành mạng lưới liên kết kinh doanh hiệu quả.
Thu Cúc