In bài viết

Đã đủ chế tài xử phạt vi phạm về xuất khẩu lao động?

(Chinhphu.vn) –  Cử tri tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực hoạt động xuất khẩu lao động.

02/10/2015 14:02

Theo ý kiến của cử tri, hiện nay địa phương không thực hiện được quy định xử phạt theo Nghị định trên do người lao động không có mặt tại địa bàn. Mặt khác, Nghị định này không quy định cụ thể cơ quan quản lý thực hiện xử phạt vi phạm, dẫn đến việc không thống nhất thực hiện ở các địa phương.

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời cử tri như sau:

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực người lao động Việt nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012 và Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Để hướng dẫn thực hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao đã ban hành Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT-BLĐTBXH-BNG ngày 6/12/2013. Thông tư số 32/2013/TTLT-BLĐTBXH-BNG quy định thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính (Điều 3); thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 4) và hướng dẫn thực hiện việc gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành trong trường hợp người vi phạm không có mặt (Khoản 2 Điều 5).
 
Điều 6 Thông tư số 32/2013/TTLT-BLĐTBXH-BNG cũng quy định rõ việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b và c khoản 2 Điều 35 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP là buộc người vi phạm phải nộp tiền phạt tại cơ quan thu tiền phạt tại Việt Nam hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả cấm đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp người bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt hành chính trong thời hạn quy định, người ra quyết định xử phạt hành chính gửi quyết định xử phạt hành chính cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người vi phạm cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài để ra quyết định cưỡng chế thi hành (Điều 7).

Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.      

Với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật được đã ban hành như trên, các địa phương và các cơ quan thẩm quyền hoàn toàn có căn cứ, cơ sở pháp lý và trách nhiệm trong việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm, kể cả trong trường hợp người vi phạm không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc người vi phạm không có mặt trên địa bàn.

Chinhphu.vn