Ngày 12/8, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Ngoại vụ địa phương lần thứ 19 với chủ đề "Chủ động, sáng tạo, phục vụ hội nhập hiệu quả và phát triển bền vững".
Hội nghị được tổ chức ngay trước thềm Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với mục tiêu gắn kết hoạt động đối ngoại của các tỉnh, thành với hoạt động đối ngoại chung của cả nước.
Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ trước thềm Hội nghị, Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Hoàng Long cho rằng trong bối cảnh đất nước chuyển sang giai đoạn hội nhập sâu rộng và toàn diện, các địa phương có “vai trò rất quan trọng”.
Trên cơ sở đó, Bộ Ngoại giao đã thành lập Cục Ngoại vụ để làm cơ quan đầu mối giúp sâu chuỗi, tổng hợp, kết nối giữa Bộ Ngoại giao và các địa phương nhằm đồng hành, hỗ trợ các địa phương trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Mặc dù công tác ngoại vụ có từ ngày thành lập Bộ Ngoại giao nhưng trong những năm gần đây, với quyết tâm của lãnh đạo bộ và sự tham dự tích cực của các đơn vị, công tác ngoại vụ địa phương được “triển khai bài bản, có hệ thống, có sự điều phối và trở thành sức mạnh tổng hợp”.
Bên cạnh những nhiệm vụ chuyên môn cụ thể như công tác bảo vệ biên giới, công tác lãnh sự, tuyên truyền đối ngoại, ngoại giao văn hóa… theo Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long, mấu chốt của tiến trình hỗ trợ các địa phương trong tiến trình hội nhập quốc tế là hỗ trợ phục vụ phát triển, nghĩa là công tác ngoại vụ phải làm thế nào để mang lại lợi ích thiết thực, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong thời gian vừa qua, Cục Ngoại vụ và các đơn vị trong Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức 51 hội nghị, tọa đàm trong chuỗi hoạt động “Gặp gỡ Đại sứ - Meet Ambassador”, “Quảng bá địa phương – Viet Nam Provincial Roadshow”, “Giới thiệu địa phương – Province Presentation” (tăng 5 lần so với giai đoạn 2014-2016) cũng như các hoạt động tham dự diễn đàn đa phương dành cho địa phương; các hoạt động quảng bá địa phương tại nước ngoài nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm hiệu quả, thiết thực trong công tác tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài.
Bên cạnh đó, Cục Ngoại vụ và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã thu xếp, hỗ trợ nhiều đoàn địa phương sang tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác, thiết lập quan hệ hợp tác, kết nghĩa, xúc tiến đầu tư - thương mại với các địa phương sở tại; hỗ trợ địa phương thẩm định năng lực các đối tác dự định hợp tác làm ăn với địa phương.
Từ sau Hội nghị Ngoại vụ địa phương lần thứ 18 năm 2016, các địa phương đã ký kết 420 thỏa thuận quốc tế cấp độ địa phương với các địa phương, đối tác và doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có 159 thỏa thuận với các địa phương nước ngoài, tăng 20,3% so với giai đoạn 2014-2016.
Thu hút FDI của các địa phương đạt 60,28 tỷ USD, tăng 34,92% (44,67 tỷ USD); kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng trưởng mạnh, đạt 775 tỷ USD, tăng 23,8% so với giai đoạn 2014-2016 (đạt 626 tỷ USD); mỗi năm các địa phương vận động được khoảng gần 300 triệu USD nguồn viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Trong hơn hai năm qua, UNESCO đã công nhận 7 danh hiệu, nâng tổng số di sản của các địa phương Việt Nam đã được UNESCO công nhận là 38 danh hiệu; thu hút lượng kiều hối đầu tư về nước đạt khoảng 25,66 tỷ USD (2016 đạt 11,88 tỷ USD; 2017 đạt 13,78 tỷ USD), chiếm khoảng 6,7% GDP.
Rõ ràng, kết quả cụ thể của công tác đối ngoại địa phương là các chương trình, dự án cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương.
Những chuyển biến căn bản
Theo Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long, quán triệt tinh thần “hứa là phải làm, không hứa suông”, Bộ Ngoại giao đã hết sức đồng hành, phối hợp, kết nối hiệu quả, kinh nghiệm từ những năm qua cho thấy rất rõ những địa phương thành công đều là những địa phương “rất chủ động”.
Đến nay, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, trực tiếp là Bí thư, Chủ tịch đã quan tâm nhiều hơn đối với công tác đối ngoại, nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí của công tác đối ngoại nói riêng cũng ngành ngoại giao nói chung đối với sự phát triển của địa phương.
Ông Long cho rằng đây là bước chuyển căn bản, vì mọi hành động đều bắt đầu từ nhận thức, bởi nếu không đánh giá đúng vai trò thì rất khó bố trí nguồn lực, nhân lực và chủ động trong công việc.
Đặc biệt, nhiều địa phương khó khăn có sự chuyển biến rất tích cực về nhận thức để tìm lối thoát nghèo nhanh chóng trong bối cảnh nguồn ngân sách Trung ương bố trí cho địa phương ngày càng eo hẹp.
Đặc biệt, hướng tới giai đoạn phát triển mới xanh và bền vững, có những điều tưởng như bất lợi với các địa phương trước đây thì nay lại trở thành lợi thế như năng lượng gió, năng lượng mặt trời ở các tỉnh duyên hải miền Trung.
“Tôi khẳng định là có những địa phương có thể thoát nghèo bằng năng lượng tái tạo như vùng duyên hải miền Trung, một số tỉnh miền Tây Nam Bộ và đi kèm với đó là phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao”, ông Long chia sẻ.
Sự tham gia của đối tác nước ngoài vào các dự án, chương trình ở địa phương có tác động lan tỏa, là chất xúc tác để các đối tác trong nước tham gia.
Kinh nghiệm cũng cho thấy các đối tác nước ngoài rất quan tâm đến các dự án về môi trường và phát triển vền vững, Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long cho hay.
Bên cạnh những chuyển biến về nhận thức, lựa chọn đúng và trúng tiềm năng để tập trung khai thác, phát triển, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của các địa phương cũng từng bước nâng lên.
Các tỉnh đã cử 9357 lượt cán bộ chủ chốt, cán bộ liên quan đến công tác đối ngoại tham dự 73 lớp do Bộ Ngoại giao tổ chức, tăng 44,6% so với giai đoạn trước.
Cục Ngoại vụ đã ký kết thỏa thuận hợp tác với một số tập đoàn lớn để đào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác đối ngoại ở các địa phương, coi đây là hướng đi chính, Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết./.