Sáng 28/9, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 6/11/2013 về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển Thành phố trong tình hình mới.
Hội nghị đã dành thời gian để nghe báo cáo, nêu giải pháp khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay.
Ban Thường vụ Thành ủy cho rằng, đây là vấn đề quan trọng, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực để quá trình xây dựng và phát triển Thành phố, do đó, cấp bách cần phải có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục sớm. Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã tổ chức tọa đàm (ngày 25/9) về vấn đề này.
Các ý kiến trao đổi tại tọa đàm khẳng định, việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy trong 10 năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo chuyển biến khá rõ nét trong công tác CCHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; làm cơ sở, nền tảng cho công tác lãnh đạo, điều hành, triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả, lãnh đạo Đà Nẵng cũng nêu thực trạng về thái độ, trách nhiệm làm việc cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ hiện nay. Trong đó, đã nêu lên 12 biểu hiện của tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức.
Các ý kiến nhấn mạnh một số biểu hiện phổ biến, như người đứng đầu đùn đẩy, né tránh, giao cho cấp phó trả lời, hoặc cung cấp thông tin; trong khi đó, cấp phó cũng an toàn, đẩy trách nhiệm cho cấp dưới, hoặc kết luận an toàn, yêu cầu bổ sung thêm các trình tự, thủ tục không cần thiết nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian xử lý vụ việc phức tạp.
Đặc biệt, thực tế cho thấy, nhiều công việc của Thành phố chỉ được giải quyết khi có đầy đủ ý kiến của các sở, ngành khác, dẫn đến việc báo cáo với cấp trên rằng việc này chưa có ý kiến của các sở, ngành liên quan nên chưa tham mưu xử lý; hoặc có tình trạng chỉ một văn bản xin ý kiến, nhưng phải gọi điện, đôn đốc thì mới có trả lời, hoặc trả lời chung chung, không thể hiện chính kiến… Đây là thực trạng đang xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị.
Về nguyên nhân của thực trạng trên, các ý kiến cho rằng do sự chồng chéo, không thống nhất, đồng bộ giữa các luật, văn bản hướng dẫn dưới luật; nhiều vấn đề khó, vướng, chưa có quy định, hoặc quy định còn chồng chéo, nên tạo tâm lý e ngại trong công tác tham mưu.
Áp lực công việc ngày càng lớn, trong khi số lượng biên chế và người làm việc ngày càng giảm, dẫn đến áp lực trong thực hiện nhiệm vụ, chất lượng, tiến độ không đảm bảo và có tâm lý đùn đẩy để giảm bớt việc.
Bên cạnh đó, chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức còn thấp, dẫn đến những tác động tiêu cực về mặt tư tưởng, có sự tính toán cho lợi ích cá nhân trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
Trong khi đó, vẫn chưa có chế tài cụ thể xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, thậm chí còn nảy sinh tư tưởng "làm ít sai ít, không làm không sai".
Về trách nhiệm của cá nhân, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, chức trách của mình. Một số cán bộ do năng lực còn hạn chế, không đáp ứng yêu cầu công việc được giao nên sợ sai, sợ phê bình. Có thực trạng tìm kẽ hở trong quy định của pháp luật để né tránh, không nhận việc.
Còn tình trạng thờ ơ, vô cảm với công việc, khi giải quyết luôn toan tính cho cá nhân chuyện được-mất, việc lợi cho bản thân thì hăng hái làm, không có lợi thì thoái thác, đùn đẩy; có xu hướng không nhận những việc khó; một số nữa thì thiếu bản lĩnh, ngại va chạm, sợ mất phiếu.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng nhiều sở, ngành có sự vênh nhau về cách hiểu quy định pháp luật, dẫn đến việc họp nhiều lần nhưng không giải quyết được vấn đề. Thành phố và các sở, ngành, đơn vị chưa thực sự đồng hành, lắng nghe, chia sẻ với bức xúc của người dân, doanh nghiệp; chưa tận dụng, phát huy được vai trò của Hội Luật gia và Đoàn Luật sư Thành phố trong tham vấn ý kiến giải quyết các vụ việc cụ thể trên địa bàn.
"Người đứng đầu của cấp có thẩm quyền Thành phố chưa mạnh dạn quyết định các vấn đề, dẫn đến tình trạng 'họp nhiều, quyết ít', gây mất thời gian xử lý…", báo cáo nêu rõ.
Trên cơ sở thực trạng, nguyên nhân, các ý kiến phát biểu tại tọa đàm đã đề xuất 4 nhóm giải pháp khắc phục. Trọng tâm cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật; rà soát, điều chỉnh lại quy chế phối hợp trong một số công việc; rõ quy trình, xác định rõ trách nhiệm (rõ người, rõ việc); thay thế cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức "không tròn vai" trong thực thi công vụ; đề cao việc người đứng đầu chịu trách nhiệm đối với các quyết định của mình..
Rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy định về chế độ, chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ; có cơ chế nhận xét, đánh giá của cấp ủy để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung của Đà Nẵng.
Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, giao quyền để các địa phương, đơn vị chủ động quyết định các vấn đề theo thẩm quyền. Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ để đáp ứng hiệu quả công việc. Tăng cường mở các lớp tập huấn chuyên môn, mời chuyên gia để hướng dẫn, đề xuất xử lý vụ việc cụ thể của thành phố theo đơn đặt hàng của từng sở, ngành.
Các ý kiến cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao trách nhiệm của người đứng trong thực hiện nhiệm vụ; áp dụng nghiêm túc chế độ làm việc theo cơ chế thủ trưởng của sở, ngành, không nên lạm dụng việc họp để lấy ý kiến tập thể.
Người đứng đầu các đơn vị phải thể hiện trách nhiệm của mình trong việc xử lý các vấn đề khó, có vướng mắc; đứng ra chịu trách nhiệm nếu có rủi ro để cấp dưới tự tin, yên tâm làm việc vì lợi ích chung. Người đứng đầu phải mạnh dạn giải quyết các vấn đề theo chức năng, thẩm quyền, tránh lạm dụng việc hỏi cấp trên đề trì hoãn thời gian, đùn đẩy trách nhiệm xử lý.
Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công vụ…
Ban Thường vụ Thành ủy mong muốn các cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu tự soi, tự sửa, nêu cao danh dự, lòng tự trọng, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung; không lạm dụng và kiên quyết chấn chỉnh việc tham mưu lấy ý kiến các cơ quan cấp trên để né tránh trách nhiệm; không lạm dụng lấy ý kiến của các đơn vị không có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công việc cần giải quyết.
Nhật Anh