Chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ, ông Huỳnh Nhất Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH VAFI (KCN Hòa Khánh mở rộng) cho biết: "Trong 6 tháng gần đây, công ty rất khó khăn về việc tuyển dụng. Chúng tôi đã chủ động khảo sát, tìm hiểu lý do vì sao người lao động nghỉ việc, có phải chính sách phúc lợi của công ty có thiếu sót gì không, nhưng người lao động chỉ đưa ra lý do là về quê hay lý do khác mà không phải vấn đề phúc lợi".
"Chúng tôi mong muốn Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có cuộc khảo sát để tìm hiểu tâm tư của người lao động, tìm hiểu những khó khăn nằm ở những lý do nào như con cái đi học, chỗ ở,... để doanh nghiệp có thể nắm bắt và tháo gỡ vướng mắc cho người lao động", ông Huỳnh Nhất Huy bày tỏ.
Còn ông Nguyễn Văn Phu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Đà Nẵng (KCN Hòa Khánh), cho hay: "So với thời gian trước đây, việc tuyển dụng công nhân phổ thông hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn, trung bình mỗi tuần chỉ tuyển được khoảng 15- 20 người. Tình hình này sẽ rất khó khăn cho những công ty có đơn hàng cần người lao động trên 200 người".
"Đây là nỗi lo canh cánh không chỉ cho riêng doanh nghiệp mà nó sẽ ảnh hưởng đến toàn ngành kinh tế của thành phố nếu tính lâu dài. Công ty chúng tôi đã tính đến chuyện mở rộng 4 ha thì vấn đề nhân sự là nỗi lo lớn nhất chứ không phải việc xây nhà xưởng, máy móc. Chúng tôi dự kiến tăng năng suất 30%, nhu cầu tuyển dụng tăng 300 người nhưng suốt 6 tháng nay không tuyển được người".
"Những người có trình độ cao như tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, Kinh tế thì tuyển dụng rất nhanh; nhưng khó khăn lớn nhất là ở nguồn lao động phổ thông", ông Phu nói.
Ông Nguyễn Văn Phu cho hay, tại Daiwa chỉ có 30% người Đà Nẵng, còn lại là người các tỉnh lân cận. Qua tìm hiểu nguyên nhân, các KCN của các tỉnh như KCN VSIP, KCN Chu Lai, KCN Trường Hải bắt đầu tuyển dụng nhiều thì những người này sẽ chọn làm ở nơi gần hơn thay vì Đà Nẵng.
Trong ngắn hạn, công ty đã tìm nhiều giải pháp để tuyển dụng được lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất như nộp đơn xin việc qua mạng, hỗ trợ tiền xăng xe khi đi phỏng vấn, thưởng cho nhân viên giới thiệu người thân, bạn bè đến làm việc...
Về lâu dài, ông Nguyễn Văn Phu đề xuất Thành phố nên có chính sách kêu gọi các trường học (trường nghề, cao đẳng, đại học..) phối hợp cùng doanh nghiệp để cung cấp lao động thời vụ vừa học vừa làm, doanh nghiệp sẽ trả lương cho sinh viên để giải quyết bài toán về lao động đồng thời giúp các em sinh viên có thêm thu nhập cũng như có thêm trải nghiệm về công việc để giúp ích sau này sau khi ra trường.
Ông Trương Ngọc Hùng, Phó phòng Chính sách việc làm, Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng, thừa nhận doanh nghiệp hiện nay thực sự rất khó khăn trong công tác tuyển dụng nguồn lao động, đặc biệt là lao động phổ thông.
Theo Trung tâm dịch vụ việc làm, cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, nhu cầu tuyển dụng rất đông, rất nhiều. Mặc dù số lượng doanh nghiệp tuyển dụng nhiều, lượng người lao động sẵn có đông nhưng tỉ lệ người đến đăng ký tuyển dụng, tìm kiếm việc làm lại rất ít, chỉ chiếm 15%. Điều đó thể hiện sự mất cân đối giữa cung-cầu lao động.
Ông Hùng phân tích có 3 nguyên nhân. Thứ nhất, người lao động chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, cụ thể là kỹ năng lao động và đào tạo nghề, có chuyên môn. Thứ hai, người lao động, đặc biệt là lao động trẻ có xu hướng chuyển dịch sang làm các công việc phi chính thức là các công việc tự do, công việc tự khởi nghiệp. Thứ ba, tại Đà Nẵng, mức lương tối thiểu khoảng hơn 4,4 triệu/người/tháng; tiền lương bình quân của doanh nghiệp ngoài nhà nước là 5,3 triệu/người/tháng. Điều đó cho thấy đòn bẩy kinh tế để thu hút lao động thấp".
Theo ông Hùng, trong chiến lược lâu dài, Sở đã đã tham mưu cho UBND Thành phố thực hiện nhiều kế hoạch để thu hút thị trường lao động, đặc biệt là Trung tâm giới thiệu việc làm phối hợp với doanh nghiệp tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ vào thứ 6 hằng tuần tại 3 địa điểm.
Song song với đó, Sở phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, UBND các xã, phường tổ chức các phiên giao dịch việc làm di động. Mới đây nhất, trong tháng 7, Sở đã phối hợp với Đại học Kinh tế Đà Nẵng và UBND quận Ngũ Hành Sơn, UBND quận Sơn Trà tổ chức phiên giao dịch việc làm di động, ngay trong buổi sáng đã tuyển được hơn 750 người, trong đó có 500 sinh viên Đại học Kinh tế.
Chính vì thế, trong thời gian tới, các doanh nghiệp hãy kết nối, có văn bản để phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm để triển khai phối hợp tuyển dụng hiệu quả.
Ngoài ra, tại Đà Nẵng đã có cơ chế chính sách phối hợp với các doanh nghiệp để đưa sinh viên vào các doanh nghiệp thực tập, làm việc. Do đó, các doanh nghiệp hãy kết nối, liên hệ với các cơ sở giáo dục, nghề nghiệp để đưa sinh viên vào làm việc đáp ứng nhu cầu phổ thông ngắn hạn.
Minh Trang