In bài viết

Đà Nẵng loay hoay tìm hướng dẫn viên ngôn ngữ hiếm

(Chinhphu.vn) – Việc thiếu hướng dẫn viên (HDV) tiếng hiếm như Hàn, Nhật, Thái… đã buộc các đơn vị lữ hành sử dụng HDV tay ngang hoặc HDV người nước ngoài, HDV tiếng Anh, ảnh hưởng lớn đến chất lượng tour, cũng như làm xấu hình ảnh điểm đến trong mắt du khách.

01/11/2014 16:09
Hướng dẫn viên có ảnh hưởng đến 80% chất lượng tour du lịch.
Những năm qua, số lượng khách du lịch đến Đà Nẵng và các vùng lân cận ngày càng nhiều bằng đường bộ, các đường bay mới mở, các chuyến tàu du lịch - góp phần thúc đẩy du lịch Thành phố ngày càng phát triển. Tuy nhiên, ông Trần Trí Cường, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Đà Nẵng cho biết, mất cân bằng trong đội ngũ HDV đã và đang gây nhiều trở ngại cho ngành du lịch Thành phố. 80% chất lượng tour phụ thuộc vào năng lực của HDV. Do đó, để giữ vững thị trường cũ và mở rộng thị trường mới, ngành du lịch Đà Nẵng đang tìm cách củng cố lại đội ngũ HDV chuyên nghiệp hơn, đặc biệt là lực lượng HDV tiếng hiếm.

Thiếu lượng, kém chất

Tính đến tháng 10/2014, Đà Nẵng đón gần 3,3 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, có khoảng 800.000 lượt khách quốc tế, tăng hơn 20% so với cùng kì năm trước. Dự kiến, những năm tới, lượng du khách quốc tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt ở các thị trường Đông Bắc Á.

Tuy nhiên, trên địa bàn Thành phố hiện có 1.612 HDV nội địa lẫn quốc tế, chiếm 10,5% trên tổng số HDV du lịch cả nước. Trong 916 HDV quốc tế, gần một nửa là HDV tiếng Anh (440 người).

Bên cạnh việc HDV tiếng Trung Quốc tăng mạnh trong 5 năm trở lại đây (43 HDV năm 2010 tăng lên 192 HDV năm 2014), lực lượng HDV tiếng Hàn Quốc chỉ có 4 người, Nhật Bản có 41 người, Thái là 18 người và Lào chỉ có 1 HDV. Trong khi đó, top 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng nằm ở khu vực Đông Bắc Á, dẫn đầu là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thực trạng hiện nay là lực lượng HDV nói tiếng Anh và một số tiếng thông dụng khác đã lớn tuổi, được đào tạo từ những người đi du học, xuất khẩu lao động giai đoạn thập niên 80 của thế kỉ trước. Thế nhưng, thế hệ HDV trẻ lại không được đào tạo để kế tục.

Ngành du lịch Đà Nẵng không có HDV tiếng Ý, Campuchia, Indonesia – là những thị trường rất tiềm năng của du lịch Việt Nam.

Chia sẻ thực trạng chất lượng HDV, ông Trần Trà, Chủ tịch Hiệp hội HDV du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, mặc dù đã thiếu, vậy mà một số HDV được cấp thẻ lại có năng lực chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu của khách: Ngôn ngữ, văn hóa bản địa, thái độ nghề nghiệp, đạo đức tác phong… Trong khi đó, việc bồi dưỡng nghiệp vụ HDV hằng năm chỉ mang tính chất hợp thức hóa, chứ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của HDV.

Với những ngôn ngữ “khan” người biết, các đơn vị lữ hành buộc phải “bắt cóc” những người tay ngang, không có nghiệp vụ HDV, hổng về văn hóa bản địa, làm ảnh hưởng đến chất lượng tour.

Theo ông Trà, một số HDV còn chú trọng đến lợi ích cá nhân hơn là quan tâm đến chất lượng điểm đến, uy tín của ngành du lịch. Điểm căn bản là do đa phần HDV chỉ coi đây là nghề tay trái, làm cộng tác viên nên không thuộc đơn vị nào quản lý hay chịu chế tài chặt chẽ của ngành chủ quản. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh Việt Nam với thế giới, cũng như khiến ngành du lịch phát triển kém bền vững.

Xây dựng HDV trở thành đại sứ du lịch

Không chỉ phát triển HDV tiếng hiếm, theo ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, cần định hướng lại sự phát triển HDV tại địa phương bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn, để trở thành những đại sứ du lịch đem hình ảnh Việt Nam đến với thế giới.

Được biết, hiện Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng đang đào tạo 19 chuyên ngành với 7 ngôn ngữ. Từ năm 2009, với nhu cầu thực tế về tình trạng ngoại ngữ hiếm, trường đã phối hợp với công ty lữ hành Saigontourist đào tạo cấp chứng chỉ HDV cho các ngành ngôn ngữ lạ và mở thêm các mã ngành đào tạo cử nhân ngoại ngữ du lịch.

TS Dương Quốc Cường – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng cho biết, trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục phối hợp với ngành du lịch Thành phố cùng các công ty lữ hành có định hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển của ngành, xây dựng được đội ngũ HDV kế tục, đón đầu nhu cầu của thị trường du lịch.

Để xây dựng lực lượng HDV tiếng hiếm, Đà Nẵng đang hướng đến mô hình trao đổi văn hóa thông qua đại sứ quán các nước tại Việt Nam, cũng như tổ chức đào tạo miễn phí nghiệp vụ hướng dẫn viên cho các đối tượng đã có ngôn ngữ không thông dụng.

Bên cạnh việc phát triển lực lượng HDV tiếng hiếm, Đà Nẵng đang cố gắng xiết chặt quản lý chất lượng HDV để cải thiện hình ảnh HDV Việt trong mắt du khách quốc tế. Theo quan điểm của ông Dũng, nên để các hiệp hội du lịch phối hợp với ngành du lịch quản lý HDV. Dưới sự phản ánh của các đơn vị lữ hành, đối với những HDV kém, phải rút thẻ HDV để hình thành được lề an toàn trong chất lượng đi đoàn. Đây mới là hướng đi bền vững khi yếu tố “mới” trong du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Đà Nẵng nói riêng không còn là điểm cộng đối với du khách.

Tuy nhiên, việc quản lý này cần thêm sự vào cuộc của Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Hồng Hạnh