Các khối nhà chung cư được xây dựng tại khu vực Thọ Quang (Đà Nẵng). Ảnh VGP/Hồng Hạnh |
Tuy nhiên, chỉ có 77 khách hàng cá nhân thuộc đối tượng thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... đã được giải quyết hồ sơ với tổng số tiền 12,833 tỷ đồng. Trung bình mỗi cá nhân chỉ được vay khoảng 167 triệu đồng/hợp đồng. Trong đó, 4/6 số tiền là cho vay mua nhà ở xã hội, 1/6 là cho vay mua nhà ở thương mại. Đây là con số khá khiêm tốn trước nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là người dân trong diện được vay tiền.
Trong khi đó, Đà Nẵng là địa phương cho vay hỗ trợ nhà ở đối với khách hàng cá nhân nhiều nhất, chiếm 1/3 tỷ trọng toàn quốc. Điều này có thể thấy, việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chậm do đang vấp phải nhiều điểm vướng cần giải quyết để nguồn vốn này đến được với người dân thực sự có nhu cầu.
Chị Nguyễn Thị Hoài (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng), một cán bộ công chức cho biết, với mức lãi suất 6%, chị cũng kỳ vọng được vay mua nhà ra riêng. Tuy nhiên, mức vay thấp và những thủ tục phức tạp làm chị e ngại khi tiếp cận nguồn vốn này. Còn vay theo định mức thông thường của NHTM với lãi suất không ổn định thì với mức lương công chức hiện nay, chị thấy mình không đủ khả năng nên đành tiếp tục sống chung với gia đình chồng 3 thế hệ trong căn nhà 60m2.
Ông Đoàn Phúc, Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Đà Nẵng, cho biết: Đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội, hiện ngân hàng đã giải quyết được 55 hồ sơ với số tiền khoảng 5 tỷ đồng. Ông cho rằng, dù nhu cầu nhà ở cao nhưng người dân chưa mặn mà lắm với hình thức vay này bởi hạn mức không cao, chỉ có thể mua được các căn hộ chung cư. Và điểm vướng hiện nay là tình trạng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư còn bỏ ngỏ, không thể thế chấp vay theo yêu cầu.
Ông Trần Phước Đức, Giám đốc Ngân hàng Công Thương (Vietinbank) chi nhánh Ngũ Hành Sơn, nhận thấy khách hàng của mình e ngại trước các dự án nhà ở xã hội chưa hoàn thành và chất lượng của các công trình này. Bên cạnh đó, UBND xã, phường nơi người vay cư trú từ chối xác minh năng lực vay vì cho rằng không đủ thẩm quyền, cũng là điểm vướng làm người dân khó vay được vốn từ khâu giấy tờ.
Các giải pháp tháo gỡ
Để nguồn vốn này thực sự đến được với người dân, đại diện các ngân hàng đều đồng quan điểm là cần đẩy nhanh hành lang pháp lý để người vay thuận lợi, ngân hàng an toàn hơn trong việc giải ngân nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội theo yêu cầu của Chính phủ hiện nay.
Để tạo điều kiện cho người dân, UBND Thành phố cũng đã giao Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục xét duyệt danh sách các đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Đồng thời tiến hành khảo sát nhu cầu về nhà ở xã hội của người dân để Thành phố có định hướng phát triển hợp lý loại hình nhà ở này.
Tuy nhiên, ông Võ Duy Khương, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng, cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần định khung giúp các NHTM giảm thiểu các thủ tục rườm rà trở nên đơn giản hơn, tạo điều kiện cho người dân thu nhập thấp tiếp cận vốn mua nhà. Đồng thời, nâng định mức vay cao hơn giá trị hiện nay thì mới phù hợp với nhu cầu thu nhập thực tế và hiện trạng giá nhà ở của người dân.
Bên cạnh việc giải quyết các vấn đề thuộc mặt pháp lý, để gói tín dụng phát huy được hiệu quả an sinh xã hội như Chính phủ trông đợi, người dân mong chờ sự thay đổi cần thiết của gói tín dụng trong điều tiết thêm về lãi suất, nâng cao hạn mức vay thì mới kỳ vọng vào sự ấm lại của thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Hồng Hạnh