In bài viết

Đà Nẵng: Phát triển đi đôi với xây dựng con người và văn hóa lành mạnh

(Chinhphu.vn) – Ngày 30/5, Thành ủy Đà Nẵng đã sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

30/05/2019 19:09

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Minh Trang

Nghị quyết số 33-NQ/TW là văn kiện quan trọng có tính chiến lược của Đảng về xây dựng văn hóa trong thời kỳ đổi mới. Theo đó, trong những năm gần đây, Đà Nẵng đã xây dựng và phát triển Thành phố luôn đi đôi với việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng Bùi Xuân cho biết nhằm triển khai NQ33-NQ/TW, ngày 13/8/2014, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chương trình hành động số 36-CTr/TU, chú trọng vào 6 nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng con người Đà Nẵng phát triển toàn diện theo những đức tính tiêu biểu của con người Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh đô thị; xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. 

Thành ủy, UBND Thành phố đã ban hành và thực hiện hiệu quả nhiều văn bản quan trọng như: “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, Đề án “Thành phố 4 an”, “5 xây 3 chống”... Qua đó, khẳng định xây dựng  văn hóa con người Đà Nẵng phát triển toàn diện, hướng tới chân, thiện, mỹ.

Các phong trào xây dựng văn hóa công vụ, phục vụ nhân dân đã lan tỏa khắp các sở, ban, ngành như chiến dịch “Nụ cười công chức chào mừng Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017”, phong trào “Chỉ cần nở một nụ cười”… đã cải tiến lề lối làm việc, hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh công việc. Thông qua đó, hiệu quả năng suất làm việc được cải thiện, cụ thể: Tỷ lệ giải quyết hồ sơ một cửa đúng và sớm hẹn trên toàn địa bàn Thành phố tương đối cao (trên 99%). Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hẹn giảm qua các năm: Năm 2014 (0,7%); năm 2015 (0,5%); năm 2016 (0,03%); năm 2017 (0,04%); năm 2018 (0,007%).

Việc duy trì thường xuyên và có hiệu quả công tác kiểm tra xử lý vi phạm trên lĩnh vực văn hóa và thể thao đã góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm, các điểm nóng. Trong 5 năm qua, ngành văn hóa, thể thao đã tiến hành hơn 1.000 lượt kiểm tra trên các lĩnh vực quản lý của ngành, ban hành 300 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; buộc tháo dỡ hàng trăm bảng quảng cáo và hơn 2.000 băng rôn sai phạm.

Bên cạnh đó, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Xuân cũng đã nêu lên một số hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai NQ33-NQ/TW. Ông Bùi Xuân cho biết: “Về triển khai Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá và Đề án xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị, có nơi có dấu hiệu chững lại, chưa quan tâm đúng mức đến tổng kết rút kinh nghiệm, chưa có nhiều điển hình tiêu biểu, tạo phong trào sôi nổi tại cơ sở”.

“Phạm vi triển khai phong trào chỉ mới được thực hiện ở địa bàn dân cư và một số cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, trường học... Sự tham gia hưởng ứng của khối doanh nghiệp chưa phổ biến. Một số mô hình trong phong trào còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu; tỷ lệ các danh hiệu văn hóa cao nhưng tình hình trật tự xã hội ngày càng có chiều hướng phức tạp. Văn hóa ứng xử - giao tiếp nơi công cộng và trong cộng đồng dân cư đã được quan tâm xây dựng nhưng chưa theo kịp sự phát triển của đô thị... cần được tiếp tục quan tâm hơn nữa đến chất lượng và sự phát triển bền vững”, ông Bùi Xuân nêu bất cập. 

Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí đề nghị trong thời gian tới cần tăng cường đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa. Theo đó, cần tiến hành rà soát quỹ đất xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. Tập trung đầu tư hoàn thành đối với các công trình văn hóa, đặc biệt là các công trình văn hóa trọng điểm cấp thành phố, động lực phát triển thành phố.

Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, báo chí, xuất bản, đặc biệt trên mạng internet; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tăng cường hiệu quả của việc giám sát, phản biện của các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong tổ chức và hoạt động văn hoá.

“Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều hình thức khác nhằm xây dựng con người Đà Nẵng phát triển toàn diện về thẩm mỹ, nhân cách và tri thức hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ; giáo dục kỹ năng sống; ý thức cá nhân tuân thủ pháp luật; giáo dục thể chất đáp ứng yêu cần, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.
Minh Trang