Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng cho biết: Thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg (Quyết định 48), từ năm 2011 đến nay, Đà Nẵng đã hỗ trợ kinh phí cho cho các tàu khai thác các vùng biển xa với tổng kinh phí hơn 64 tỷ đồng. Việc giải ngân thực hiện hỗ trợ theo Quyết định 48 trong 3 năm qua đã khuyến khích ngư dân Đà Nẵng thêm năng động, bám biển dài ngày tại các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa.
Về triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67), Đà Nẵng đã thành lập Ban chỉ đạo để thông tin đến ngư dân các nội dung hỗ trợ cụ thể về vốn vay đóng mới và cải hoán nâng cấp tàu cá, hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu và tai nạn thuyền viên, chính sách cho vay vốn lưu động...
Đến thời điểm này, toàn Thành phố có 146 cá nhân, tổ chức đăng ký đóng mới 184 tàu, trong đó 161 tàu khai thác thủy sản, 23 tàu dịch vụ hậu cần.
Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết địa phương sẽ xây dựng bộ tiêu chí riêng; sẽ tự kiểm định năng lực tài chính và vốn vay của các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu vay vốn đóng mới tàu và kiên quyết không sử dụng máy cũ trong nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67. Thành phố sẽ cho đóng thêm lượng tàu vỏ gỗ, dịch vụ, hậu cần để phù hợp với xu thế.
Tại buổi làm việc, TP. Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cần sớm ban hành thông tư liên tịch giữa các bộ về việc triển khai Nghị định 67 để địa phương dễ dàng thực hiện; đồng thời ban hành tiêu chí với các cơ sở đóng mới tàu đủ điều kiện đóng mới tàu cho địa phương; sớm bố trí vốn cho Thành phố triển khai xây dựng, nâng cấp cảng cá Thọ Quang trở thành cảng cá loại 1 cấp quốc gia.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao sự đầu tư, quan tâm của Thành phố đối với chính sách phát triển khai thác thủy hải sản. Thứ trưởng cho rằng, nhu cầu đóng mới và cải hoán nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 của ngư dân Đà Nẵng là rất lớn. Tuy vậy, con số 47 tàu mà Bộ NN&PTNT phân bổ về địa phương là sát hợp bởi tuân theo nhiều quy định về quy hoạch chung và kế hoạch tái cơ cấu nghề cá của Trung ương.
Việc thống nhất danh sách các chủ đầu tư, hộ ngư dân đăng ký đóng tàu mới đánh bắt xa bờ cần phải công khai, minh bạch và Thành phố nên làm điểm ở một huyện sau đó rút kinh nghiệm để triển khai và lựa chọn phương án đóng tàu vỏ sắt, vỏ gỗ hay composite.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng Nghị định 67 là nghị định tổng hợp, toàn diện, ra đời nhanh và được dư luận ủng hộ, tuy vậy việc triển khai ở các địa phương còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Do đó các địa phương cần căn cứ theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành để triển khai đúng lộ trình của Chính phủ, nếu có vướng mắc cần tổng hợp để Bộ xem xét. Thứ trưởng cũng yêu cầu các ngành Nông nghiệp, Tài chính, Ngân hàng trên địa bàn cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân hưởng các chính sách theo Nghị định 67.
Lưu Hương