In bài viết

Đà Nẵng tăng cường công tác phòng, chống dịch trước nguy cơ bùng phát

(Chinhphu.vn) - TP. Đà Nẵng sẽ thực hiện 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch: Cách ly nhanh, hẹp nhất; xét nghiệm thần tốc, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm; điều trị tích cực từ sớm, từ xa, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong.

04/12/2021 10:27
Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên

Tối 3/12, Thành uỷ Đà Nẵng đã có công văn về việc tăng cường thực hiện biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho biết, thời gian qua cả hệ thống chính trị thành phố đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Trung ương, thành phố về phòng, chống dịch COVID-19. Nhờ đó, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Thành phố từng bước thực hiện khá hiệu quả chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 11 đến nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. Một số địa phương, đơn vị và người dân có sự chủ quan, lơi lỏng trong công tác phòng, chống dịch; việc truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly chưa thật sự tốt, còn tình trạng bỏ sót F1 và chậm xử lý các ổ dịch; có sự lúng túng trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong các cơ sở sản xuất, nhất là khi phát hiện ca F0...

Trước diễn biến phức tạp, nhất là khi thế giới đã ghi nhận biến chủng mới Omicron, có nguy cơ bùng phát đợt dịch mới, Thường trực Thành ủy đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 một cách quyết liệt, chủ động hơn, trong đó: Tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, chủ động và linh hoạt các chủ trương, chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19, với quan điểm: Phòng, chống dịch là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; phát huy vai trò của người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

Tiếp tục phát huy sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn trong công tác phòng, chống dịch; phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan, nhất là khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn quản lý; phát huy vai trò của các Tổ COVID cộng đồng, nhất là việc giám sát các trường hợp về từ địa phương khác, các trường hợp cách ly y tế, chữa trị COVID-19 tại nhà.

Thực hiện tốt 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch: Cách ly nhanh, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất có thể; xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch, đảm bảo khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm; điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong.

Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19, Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo: Tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 đợt dịch thứ 4; bám sát các chỉ đạo của Trung ương để khẩn trương xây dựng các kế hoạch, kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2022 và các năm tiếp theo; từng bước ổn định, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn phòng, chống dịch; thực hiện mục tiêu kép, tập trung phục hồi kinh tế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội gắn với phòng, chống dịch.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên và việc trả mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1; tăng cường tuyên truyền, đề nghị người dân chưa tiêm vaccine đăng ký và sớm được tiêm vaccine. Xây dựng kế hoạch để sẵn sàng tiêm mũi 3 khi Trung ương chỉ đạo thực hiện.

Tiếp tục nâng cao năng lực cho y tế cơ sở; đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị, hạn chế tử vong; trong đó, lưu ý kế hoạch, điều kiện để sẵn sàng triển khai thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả y tư nhân), sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ cao nhất (cấp độ 4).

Chỉ đạo các quận, huyện hoàn thiện kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp ô xy y tế cho các trạm y tế xã, phường để đáp ứng khi có dịch xảy ra. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc thí điểm cách ly, chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà/ nơi lưu trú.

Thường xuyên cập nhật cấp độ dịch của các phường, xã, quận, huyện; đánh giá hiệu quả việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng phòng, chống dịch, từ đó đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng trong thời gian đến.

Yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch, nhất là tại những nơi tập trung đông người, các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, các chợ, siêu thị, bệnh viện…; chú trọng đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại trường học khi học sinh đi học trực tiếp.

Tập trung kiểm tra phương án phòng, chống dịch và việc quét mã QRCode; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nhất là các đối tượng yếu thế để có điều kiện phục hồi, ổn định sản xuất, sinh hoạt sau dịch bệnh.

Chiều 3/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Thành phố cho biết, trong ngày, Đà Nẵng ghi nhận 119 ca mắc COVID-19, trong đó có 34 ca chưa cách ly. Toàn thành phố đang thiết lập 193 điểm phong tỏa với 1.452 hộ (8.992 nhân khẩu); duy trì 18 cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly 1.324 người.

Tính từ ngày 16/10 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 1.390 ca mắc COVID-19.

 Lưu Hương