In bài viết

Đà Nẵng: Tăng trưởng GRDP 6 tháng đạt cao nhất kể từ năm 2020

(Chinhphu.vn) - Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 2 năm 2024 của TP. Đà Nẵng ước tăng 8,35%, tính chung 6 tháng đầu năm ước tăng 5%.

28/06/2024 15:10
Đà Nẵng: Tăng trưởng GRDP 6 tháng đạt cao nhất kể từ năm 2020- Ảnh 1.

Quang cảnh họp báo - Ảnh: VGP/Minh Trang

Sáng 28/6, Cục thống kê TP. Đà Nẵng tổ chức họp báo công bố số liệu kinh tế-xã hội của TP. Đà Nẵng quý 2 và 6 tháng đầu năm.

Theo báo cáo, bước sang quý II/2024, kinh tế TP. Đà Nẵng đã có những chuyển biến tích cực, lĩnh vực du lịch tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ kể từ sau đại dịch COVID-19, tạo sự tăng trưởng bứt phá cho một số ngành dịch vụ như: Lưu trú, ăn uống, thương mại, vận tải, vui chơi, giải trí... lĩnh vực sản xuất cũng có những tín hiệu khả quan hơn, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung của thành phố trong 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, GRDP quý 2 ước tăng 8,35% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm, GRDP của thành phố ước tăng 5%, cao hơn mức tăng 3,48% của cùng kỳ năm 2023 và cao hơn mức tăng bình quân 3,54% của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2020-2024.

Khu vực thương mại và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Đặc biệt, số lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng đã đạt mức tăng ấn tượng và vượt cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh COVID-19.

Tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 5,1 triệu lượt, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt 2,0 triệu lượt, tăng 40,3%; khách trong nước đạt 3,1 triệu lượt, tăng 17,7%.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi; tăng trưởng tín dụng đạt thấp; cước vận tải tăng cao,... đang là rào cản khiến tăng trưởng khu vực dịch vụ trong 6 tháng qua tuy có khả quan nhưng vẫn chưa đạt được mức kỳ vọng.

Đà Nẵng: Tăng trưởng GRDP 6 tháng đạt cao nhất kể từ năm 2020- Ảnh 2.

Sản xuất công nghiệp của TP. Đà Nẵng tiếp tục đối mặt với khó khăn do kinh tế thế giới phục hồi chậm - Ảnh: VGP/Minh Trang

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế-xã hội của Đà Nẵng vẫn còn đối mặt với một số hạn chế, khó khăn, cụ thể như sau: Sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn do kinh tế thế giới phục hồi chậm, công tác triển khai đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu về quỹ đất và mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp...

Khách du lịch tăng cao nhưng số ngày lưu trú giảm, xu hướng thắt chặt chỉ tiêu của du khách trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chưa thoát khỏi suy thoái.

Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, không có đơn hàng nên không có nhu cầu vay vốn; nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không đủ các điều kiện đảm bảo, chưa có phương án kinh doanh hợp lý nên chưa thể vay vốn; thị trường bất động sản tiếp cận tín dụng khó khăn...

Chia sẻ về các nhiệm vụ trọng tâm của TP. Đà Nẵng nửa cuối năm 2024, ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê TP. Đà Nẵng cho hay, Thành phố tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp như sau: Tiếp tục tập trung giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của thành phố, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình và tiến độ thực hiện hợp đồng; thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đô thị, bảo vệ môi trường, hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình, dự án theo đúng kế hoạch nhằm khai thác tối đa tiềm năng, giá trị các công trình, hạ tầng kỹ thuật...

Tập trung các nguồn lực để đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới, góp phần tăng sức cạnh tranh của điểm đến để thu hút khách du lịch. Tiếp tục xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng từ các thị trường quốc tế; khai thác thị trường khách đường biển, đường bộ, liên kết hình thành và tạo xu hướng du lịch trải nghiệm bằng tàu hỏa...

Nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi.

Xây dựng kế hoạch triển khai, lộ trình thực hiện các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư để tạo động lực tăng trưởng bền vững. Tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển thủy sản; tăng cường công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định...

Minh Trang