Ngày 23/11, TP. Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu Công nghệ và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO), Dự án Aus4Innovation (hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Australia và Bộ KH&CN) tổ chức "Hội thảo phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực AI tại Đà Nẵng".
Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết: Mục tiêu của Đà Nẵng là "trở thành đô thị sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á". Trong đó, một trong các lĩnh vực được ưu tiên phát triển là công nghiệp, công nghệ thông tin (CNTT), điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.
Hiện thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực xây dựng môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực CNTT, trong đó có trí tuệ nhân tạo đến triển khai dự án tại thành phố. Thành phố hiện có Khu công nghệ cao Đà Nẵng với những chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vượt trội. Và 2 Khu CNTT tập trung với các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất cũng như thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc.
Thống kê đến nay, TP. Đà Nẵng có 2,1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân (đứng thứ 2 sau TPHCM). Trong đó, nhân lực CNTT hơn 44.000 người, chiếm 7,6% trong tổng số lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên; thành phố hiện có 38 cơ sở đào tạo CNTT, trong đó có 17 trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên ngành CNTT, 13 trường đại học, cao đẳng đào tạo các chuyên ngành điện tử - viễn thông, cơ điện tử, tự động hóa, tin học thống kê, tin học xây dựng...
Phát biểu tại hội thảo, ông Christopher Morley, Ủy ban Thương mại và Đầu tư Australia chia sẻ, Australia là 1 trong những quốc gia phát triển rất mạnh mẽ công nghệ thông tin, trong đó như AI, blockchain, nền tảng thiết kế đồ họa…Đáng chú ý, thời gian qua Australia đã áp dụng các giải pháp AI vào nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, tài nguyên và năng lượng, tài chính, bán lẻ…
"Kinh tế số Việt Nam đang tăng trưởng mạnh trong những năm qua, dự kiến tăng khoảng 30% trong thời gian tới. Việt Nam đang có nhiều tiềm năng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào CNTT, trong đó có trí tuệ nhân tạo", ông Christopher Morley đánh giá.
Ông Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ KH&CN) cho hay, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý thông thoáng đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống. Đồng thời lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tăng cường năng lực quốc gia về tính toán hiệu năng cao, tính toán đám mây, tính toán sương mù…
Triển khai phổ cập kỹ năng cơ bản về ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho thanh thiếu niên. Thúc đẩy triển khai các hình thức đào tạo chứng chỉ ngắn hạn và trung hạn về trí tuệ nhân tạo cho sinh viên thuộc các ngành nghề khác nhau, người lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp.
"Việt Nam sẽ thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước xây dựng các các trung tâm đào tạo, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu. Trong đó, nhà nước đầu tư xây dựng một số trung tâm trọng điểm nghiên cứu, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu tại một số trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu…", ông Lý Hoàng Tùng thông tin.
Lưu Hương