Bệnh nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm được điều trị tại BVĐK huyện Vị Xuyên. Ảnh: Báo Hà Giang |
Kết quả xét nghiệm cho thấy, nguyên nhân vụ ngộ độc là do thức ăn nhiễm S.aureus (tụ cầu vàng).
Cũng theo Sở Y tế Hà Giang, 54/55 bệnh nhân trong vụ ngộ độc nói trên đã được xuất viện, sức khỏe ổn định. Đến tối 9/10, chỉ còn ông Lý Seo Giáo, 77 tuổi, mắc bệnh tiểu đường, nên phải ở lại để điều trị tiếp.
Để hạn chế thấp nhất những vụ ngộ độc từ thực phẩm đáng tiếc xảy ra, Sở Y tế Hà Giang đề nghị UBND huyện Vị Xuyên chỉ đạo các đơn vị liên quan của huyện, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm; đặc biệt chú ý đến khâu chế biến thức ăn; tăng cường công tác kiểm tra tại các cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm để phòng ngộ độc thực phẩm.
Trước đó, từ 7-14h ngày 1/10, gia đình ông Lý Seo Hỏa ở thôn Lùng Vùi tổ chức ăn hỏi cho con trai. Bữa cơm có khoảng 60 người tham gia, thức ăn gồm thịt lợn xào, canh xương nấu đu đủ, uống rượu gạo và cơm tẻ.
Sau khi ăn cơm, đến ngày 3/10 có 3 người tử vong và 55 người phải nhập viện vào những ngày tiếp theo với các triệu chứng như: Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đau bụng và nôn ra thức ăn…
Trước diễn biến phức tạp của vụ ngộ độc, Sở Y tế Hà Giang đã chỉ đạo các đơn vị y tế liên quan khắc phục hậu quả; tiếp đón xử trí và cấp cứu kịp thời các trường hợp ngộ độc; cử nhiều đoàn công tác trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, thăm hỏi động viên các đối tượng ngộ độc điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Vị Xuyên.
Sở cũng chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng và các đơn vị y tế huyện Vị Xuyên đến ngay hiện trường điều tra nguyên nhân, lấy mẫu xét nghiệm; đồng thời làm việc với xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, để nhanh chóng ổn định tình hình.
Tụ cầu vàng gây bệnh bằng cách gây tổn thương trực tiếp lên các cơ quan như: Da (nhọt da, ápxe, viêm mô tế bào), hô hấp (viêm khí quản, viêm phổi hoại tử, áp xe phổi biến chứng tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, tràn khí dưới da, tràn mủ màng phổi), tim (viêm nội tâm mạc, tràn mủ màng tim), màng não (viêm màng não mủ), xương (cốt tủy viêm, viêm khớp), máu (nhiễm trùng máu hoặc gây bệnh bằng cách gián tiếp tiết ra các độc tố gây viêm da tróc vẩy hoặc hội chứng sốc độc tố). Biểu hiện lâm sàng ngộ độc thức ăn do độc tố ruột của tụ cầu vàng xảy ra sau ăn 1-6 giờ, buồn nôn, ói mửa, đau bụng, có thể tiêu chảy, sốt nhẹ, mất nước, phục hồi trong vòng 24 giờ nếu được điều trị đúng, kịp thời. Vi khuẩn tụ cầu vàng có thể tìm thấy ở mọi nơi, có thể thấy ở mũi, họng người bình thường - người lành mang trùng, nguồn nhiễm chính là các sang thương nhiễm khuẩn hoặc do tiếp xúc qua đường hô hấp và da. Phòng bệnh chủ yếu là rửa tay, giữ vệ sinh chung, dinh dưỡng tốt nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng của cơ thể. |
TB