Theo TTXVN, tại phiên tòa, gần 50 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương cũng như những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Riêng bị cáo Hà Văn Thắm có 2 luật sư bào chữa. Ngoài ra, Tòa cũng đã triệu tập hơn 600 người tham gia tố tụng đến tham dự phiên tòa.
Nhằm làm rõ hành vi vi phạm của các bị cáo, Tòa cũng đã triệu tập và di lý Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng) từ Thành phố Hồ Chí Minh ra tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Ngoài bị cáo Hà Văn Thắm, 47 bị cáo còn lại chủ yếu là lãnh đạo tại hội sở ngân hàng và lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank trên toàn hệ thống, lãnh đạo Công ty BSC bị đưa ra xét xử.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank và là người đại diện phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Ngân hàng Oceanbank; Nguyễn Thị Minh Thu, nguyên Tổng giám đốc kế nhiệm tại Oceanbank, ngay sau khi Nguyễn Xuân Sơn được rút về PVN đảm nhiệm chức vụ mới; ba bị cáo từng giữ chức Phó Tổng Giám đốc Oceanbank gồm Nguyễn Văn Hoàn, Lê Thị Thu Thủy và Nguyễn Minh Phương.
Ngoài ra, còn có 34 bị cáo nguyên là giám đốc các chi nhánh và giám đốc các phòng giao dịch của Ngân hàng thương mại cổ phần Oceanbank.
Theo cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát, trong quá trình hoạt động, tại Oceanbank đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với Oceanbank và các cổ đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 20 ngày.
Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank). |
Theo thông tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đây là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có sự tiếp tay của nhiều đối tượng từ Hội sở đến các chi nhánh, phòng giao dịch trong toàn hệ thống Oceanbank, gây thiệt hại đặc biệt lớn tài sản của ngân hàng, Nhà nước, tác động xấu đến tình hình kinh tế của đất nước, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chính sách tài chính-tiền tệ của Nhà nước.
Trong vụ án này, Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Oceanbank là đối tượng chính, cầm đầu hoạt động phạm tội, có sự trợ giúp đắc lực của các đồng phạm.
Trong quá trình điều hành Oceanbank, bằng các thủ đoạn thành lập các công ty "sân sau", Hà Văn Thắm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình chỉ đạo thuộc cấp thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, dùng nhiều thủ đoạn rút tiền của ngân hàng để sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng không có khả năng thu hồi.
Hà Văn Thắm trong quá trình tham gia, điều hành Oceanbank, với cương vị người đứng đầu ngân hàng, Thắm đã chỉ đạo Ban giám đốc Oceanbank giải quyết cho vay không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản đảm bảo, khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay và quy trình, thủ tục vay của Oceanbank, trực tiếp gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền 500 tỷ đồng.
Hà Văn Thắm hiểu biết các quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động tín dụng và kinh doanh ngoại hối, tuy nhiên để huy động vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Thắm đồng ý chi tiền ngoài hợp đồng tiền gửi cho Nguyễn Xuân Sơn (sinh năm 1962, quê Hà Tĩnh, nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank) theo đề nghị.
Bị can Thắm và Nguyễn Xuân Sơn đã bàn bạc, thống nhất đề ra chủ trương “thu phí” của khách hàng thông qua Công ty BSC và triển khai tổ chức thực hiện dẫn đến thiệt hại cho Oceanbank và khách hàng 70 tỷ đồng. Ngoài ra Hà Văn Thắm còn chỉ đạo, thống nhất với lãnh đạo Oceanbank về chủ trương chi tiền ngoài lãi suất huy động đối với khách hàng gửi tiền tại Oceanbank, vượt trần huy động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, gây thiệt hại cho Oceanbank hơn 984 tỷ đồng.
Hành vi của Hà Văn Thắm bị cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố các tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tác tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bên cạnh việc truy cứu cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Oceanbank, cơ quan điều tra Bộ Công an còn đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị can khác: (1) Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank; (2) Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank, cùng bị đề nghị truy tố về tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. (3) Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Phó Tổng giám đốc Oceanbank, bị đề nghị truy tố về tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tác tổ chức tín dụng và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo kết luận điều tra, chưa có tài liệu chứng minh ông Hoàn được hưởng lợi cá nhân nên cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị cần xem xét giảm nhẹ khi truy tố, xét xử.
(4) Phạm Hoàng Giang, nguyên Tổng giám đốc Công ty BSC Việt Nam, bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Các bị can (5) Nguyễn Xuân Thắng, nguyên Phó giám đốc Khối Khách hàng và Đối tác chiến lược Oceanbank; (6) Lê Thị Thu Thủy, nguyên Phó Tổng giám đốc Oceanbank; (7) Vũ Thị Thùy Dương, nguyên Giám đốc Khối Kế toán và giao dịch trong nước; (8) Nguyễn Hoài Nam, nguyên Giám đốc Khối Nguồn vốn; (9) Nguyễn Thị Thu Ba, nguyên Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân; (10) Đỗ Đại Khôi Trang, nguyên Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân; (11) Lê Tuấn Anh, nguyên Giám đốc chi nhánh Thăng Long; (12) Nguyễn Minh Đạo, nguyên Giám đốc chi nhánh Hà Nội; (13) Ngô Hải Nam, nguyên Giám đốc chi nhánh Hải Phòng; (14) Lê Quỳnh An, nguyên giám đốc chi nhánh Nghệ An; (15) Nguyễn Quốc Chiến, nguyên giám đốc chi nhánh Sài Gòn; (16) Hoàng Bích Vân, nguyên giám đốc chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, cùng bị đề nghị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Vụ án Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm xảy ra tại Oceanbank và một số đơn vị liên quan là 1 trong 6 đại án tham nhũng, kinh tế lớn được Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa ra xét xử.
Công văn số 1284/C46-P11 của Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C46) gửi Cổng TTĐT Chính phủ về bắt, khám xét đối với Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Oceanbank nêu rõ: Căn cứ vào kết quả điều tra của C46 và tài liệu thanh tra của NHNN đến nay có đủ căn cứ xác định Hà Văn Thắm - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) phạm tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" quy định tại Điều 179 Bộ luật hình sự. Ngày 21/10/2014 Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng và Lệnh khám xét đối với Hà Văn Thắm về tội danh trên. Ngày 24/10/2014, Viện KSNDTC đã phê chuẩn, cùng ngày Cơ quan cảnh sát điều tra đã thi hành lệnh bắt, khám xét đối với Hà Văn Thắm. Hà Văn Thắm sinh ngày 11/12/1972, quê quán xã An Hà, Lạng Giang, Bắc Giang. Hộ khẩu thường trú: Tổ 10, cụm Nghi Tàm, phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội. Chức vụ: Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Ủy ban tín dụng, Chủ tịch Uỷ ban đầu tư Ngân hàng TMCP Đại Dương. |