In bài viết

Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm của chủ thể để xảy ra lãng phí

(Chinhphu.vn) - Ngày 31/10, thảo luận báo cáo giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, nhiều đại biểu Quốc hội xót xa khi tình trạng lãng phí với nhiều công trình, dự án bị đắp chiếu và đề nghị làm rõ trách nhiệm của chủ thể xảy ra tình trạng này.

31/10/2022 16:23
Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm của chủ thể để xảy ra lãng phí - Ảnh 1.

Đại biểu Trịnh Xuân An: Lãng phí tai hại hơn tham ô rất nhiều, nó liên quan đến hàng trăm ha đất, hàng nghìn dự án bị chậm trễ, hàng nghìn tỷ đồng bị đắp chiếu - Ảnh: VGP/LS

Đánh giá cao chuyên đề giám sát, nhất là việc xử lý kết quả của cuộc giám sát, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, lãng phí tai hại hơn tham ô rất nhiều, nó liên quan đến hàng trăm ha đất, hàng nghìn dự án bị chậm trễ, hàng nghìn tỷ đồng bị đắp chiếu.

Đại biểu cho rằng, báo cáo giám sát của Quốc hội còn chưa chỉ ra trách nhiệm của chủ thể để xảy ra tình trạng lãng phí xảy ra trong một thời gian dài. Do đó, cần phải có liều "kháng sinh'' cực mạnh để chữa trị vấn đề này.

Theo đại biểu, hàng nghìn dự án, công trình bị lãng phí như điện gió, công trình giao thông phải bù thêm hàng chục nghìn tỷ thì phải có chế tài xử lý người có trách nhiệm để xảy ra tình trạng đó. Báo cáo giám sát cần chuyển cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra, điều tra để làm rõ các kiến nghị mà báo cáo giám sát của Quốc hội đã nêu ra.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (tỉnh Bạc Liêu) bày tỏ quan tâm đến việc quản lý, sử dụng đất nông lâm trường hiện nay đang có nhiều yếu kém, thất thoát, đã được Quốc hội khóa trước giám sát, chỉ ra nguyên nhân, hạn chế nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét đến nơi đến chốn.

"Nhiều vấn đề đã được nhận diện, kiến nghị về việc sử dụng đất không hiệu quả nhưng đến nay vẫn không xử lý dứt điểm tình trạng này, trong khi người dân không có đất sản xuất, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống rất khó khăn. Một số công ty nông, lâm nghiệp giữ diện tích đất quá lớn, hàng chục nghìn ha mà nhân lực thì quá mỏng. Việc quản lý, sử dụng không hiệu quả, lãng phí", đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm của chủ thể để xảy ra lãng phí - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh phát biểu - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Đại biểu Phạm Thúy Chinh quan tâm về vấn đề lãng phí trong quản lý sử dụng vốn đầu tư và sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp nhà nước khi các doanh nghiệp này đang nắm giữ nguồn lực lớn nhưng việc quản lý sử dụng vốn chưa hiệu quả, còn lãng phí, tăng trưởng bình quân không cao, tỉ suất lợi nhuận thấp.

Theo đại biểu, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2016-2021 chỉ đạt 3%, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chỉ đạt 1%. Trong cổ phần hóa, một số doanh nghiệp sau chuyển đổi hoạt động không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ. Hiệu quả đầu tư vốn chưa đạt kỳ vọng.

Về giải pháp để khắc phục tình trạng trên, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm tổng kết trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Đồng thời chỉ đạo tăng cường đổi mới quản trị cho các doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc chuẩn quốc tế, trong đó tập trung vào tinh giản bộ máy quản lý, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp giỏi.

Ngoài ra, đại biểu kiến nghị Chính phủ báo cáo với Quốc hội về tình hình kết quả xử lý doanh nghiệp làm lãng phí vốn nhà nước và việc lãng phí thất thoát tài nguyên đất đai trong quá trình cổ phần hóa.

Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) khẳng định, kết quả giám sát chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 cho thấy tình hình lãng phí, thất thoát các nguồn lực của đất nước về tài chính, ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, thời gian lao động về nguồn lực rất lớn và nghiêm trọng.

Đại biểu nêu con số trong báo cáo về thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn ngân sách nhà nước, quản lý đất đai tại các lâm trường, các dự án chậm tiến độ, dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, dự án dang dở, gây thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục chưa được tiết kiệm…

Đại biểu mong muốn Quốc hội, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các phương án khắc phục, xử lý đối với trên 3.000 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; trên 79.000 hecta đất nông, lâm nghiệp đã quyết định thu hồi nhưng có phương án sử dụng… tập trung xử lý các dự án không hiệu quả, chậm tiến độ, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, các dự án BT, BOT đang triển khai dở dang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; các dự án đã hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng, không phát huy hiệu quả, chất lượng không bảo đảm.

Lê Sơn