In bài viết

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng diện tích, thời lượng quảng cáo trên báo chí

(Chinhphu.vn) - Chiều 25/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo với nhiều nội dung được đại biểu tập trung thảo luận như quảng cáo trên các loại hình báo chí hiện nay.

25/11/2024 18:26
Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng diện tích, thời lượng quảng cáo trên báo chí- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành thảo luận về Luật Quảng cáo sửa đổi - Ảnh: VGP/LS

Muốn tăng quảng cáo trên báo chí phải đổi mới chất lượng nội dung, chương trình

Điều hành nội dung Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, lĩnh vực quảng cáo được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. 

Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên không gian mạng.

Sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng; đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước.

Góp ý về quảng cáo trên báo in có 2 loại ý kiến khác nhau, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) đề xuất thêm ý kiến thứ 3 và cho rằng, hiện nay thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giải quyết căn bản khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc thực hành tự chủ tài chính. Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nghiên cứu phương án lược bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường.

Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, có 2 loại ý kiến về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị đánh giá tác động chính sách nhằm tăng tính thuyết phục để quảng cáo trên truyền hình tăng từ 5-10%, đồng thời cần xem xét quảng cáo trong thời điểm nào cho phù hợp.

Góp ý về quảng cáo trên báo in tại Điều 21 của Luật quảng cáo năm 2012, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (tỉnh Tây Ninh) nhìn nhận, diện tích quảng cáo không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu để phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.

Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc để điều chỉnh tăng gấp đôi diện tích quảng cáo so với quy định tại Điều 21 của luật hiện hành. Tăng diện tích quảng cáo như vậy là quá cao, không chỉ ảnh hưởng đến khối lượng, chất lượng của thông tin chính thống, mà cũng gây ảnh hưởng trái chiều, phản ứng trái chiều từ phía độc giả.

Vì vậy, đại biểu đề xuất diện tích quảng cáo không vượt quá 20% tổng diện tích của một sản phẩm báo hoặc 30% tổng diện tích của một ấn phẩm tạp chí từ báo, tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.

Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, đại biểu cho biết, Điều 22 của luật hiện hành được sửa như sau: “Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo hai lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm 01 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 05 phút.” 

Góp ý về quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (tỉnh An Giang) cho rằng, trước xu thế phát triển của quảng cáo trên mạng thì việc tăng diện tích, tăng thời lượng quảng cáo cho báo chí là một trong những yếu tố quan trọng và rất cần thiết, phần nào góp phần cho các cơ quan báo chí tăng nguồn thu, giải quyết khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình và tăng chất lượng cho các nội dung quảng cáo chứ không chỉ tăng thời lượng, diện tích quảng cáo lên quá nhiều, dễ ảnh hưởng đến thị hiếu của bạn đọc, bạn xem đài.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để việc quy định tăng diện tích, thời lượng quảng cáo có tỷ lệ thực sự phù hợp và thuyết phục hơn. Bên cạnh đó, cần có những quy định ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình báo chí khác nhau.

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng diện tích, thời lượng quảng cáo trên báo chí- Ảnh 2.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị nên giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tích quảng cáo - Ảnh: VGP/LS

Nhiều cơ quan báo chí khó khăn vì... thiếu quảng cáo

Tranh luận về diện tích quảng cáo trên báo in, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, nguyên Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân cho biết, các ý kiến của các ĐBQH đều nêu quan điểm, việc nới diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính và tốt hơn trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các cơ quan báo chí gặp khó khăn không phải vì thiếu diện tích quảng cáo mà khó nhất là thiếu quảng cáo.

Các doanh nghiệp, các nhà quảng cáo có nhiều phương thức quảng cáo khác nữa hiệu quả hơn báo in. Thị trường có thể biến động, do đó, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa ủng hộ phương thức nên giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tình quảng cáo này và cùng ý kiến với đại biểu Phạm Văn Hòa.

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa bày tỏ lo lắng nếu giao tự chủ, tự quyết diện tích quảng cáo này thì có thể dẫn đến một số cơ quan báo chí có lượng bạn đọc ổn định, lượng phát hành ổn định hoặc báo do ngân sách nhà nước bảo đảm mà lại tăng diện tích quảng cáo lên thì rất phản cảm. Báo, tạp chí là do thị trường quyết định, do bạn đọc quyết định.

Bổ sung hành vi bị cấm quảng cáo trên môi trường mạng

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng diện tích, thời lượng quảng cáo trên báo chí- Ảnh 3.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở Tư pháp Long An đề nghị Bổ sung hành vi bị cấm quảng cáo trên môi trường mạng - Ảnh: VGP/LS

Góp ý về quảng cáo trên mạng, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (tỉnh Long An) cho biết, Điều 23 sửa đổi bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với quảng cáo trên môi trường mạng, trong đó có quy định về quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo trên mạng. Dự thảo quy định trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin quy phạm pháp luật, tiếp nhận thông báo và gửi giấy xác nhận cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng. 

Tuy nhiên, dự thảo chỉ mới xác định trách nhiệm tự gỡ bỏ của người quảng cáo, trách nhiệm cụ thể của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong khi đó chưa rõ các cơ quan chức năng có thẩm quyền là những cơ quan khác.

Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay chúng ta kiểm soát rất chặt về quảng cáo nhưng là trên truyền hình, trên báo chí nhưng trên mạng xã hội thì rất lỏng lẻo do thiếu hành lang pháp lý cũng như sự đa dạng, phức tạp khó quản lý của các hoạt động trên môi trường mạng như báo cáo tổng kết cũng nêu. 

Nếu thiếu cơ chế kiểm soát, phát hiện xử lý qua, chúng ta không đạt được mục tiêu phòng ngừa, ngăn ngừa, răn đe hoạt động quảng cáo có vi phạm trên môi trường mạng, thì chúng ta cũng không làm tốt, hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đang bùng nổ phổ biến hiện nay, mà chỉ là chạy theo giải quyết hậu quả, thiệt hại khi có khiếu nại, tố cáo và phát hiện sai phạm qua thanh tra, kiểm tra.

Lê Sơn