In bài viết

Đại biểu Quốc hội đề xuất bỏ giá trần, giá sàn vé máy bay

(Chinhphu.vn) - Việc không quy định giá trần, giá sàn đối với vé máy bay sẽ tạo điều kiện để các hãng hàng không thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đưa nhiều chương trình giá phù hợp, tăng các mức giá rẻ nhằm kích cầu và khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ vận tải hàng không.

23/05/2023 16:35
Đại biểu Quốc hội đề xuất bỏ giá trần, giá sàn vé máy bay - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) - Ảnh: quochoi.vn

Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Giá (sửa đổi). Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu

Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, dự thảo Luật đã loại bỏ các quy định gây vướng mắc, tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ hơn nữa nguyên tắc thị trường trong quản lý giá, nguyên tắc định giá của Nhà nước; làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc tự định giá hàng hóa, dịch vụ của mình.

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý giá; quy định đúng bản chất hoạt động thẩm định giá; trách nhiệm pháp lý của các bên trong thực hiện; giá trị pháp lý của các kết luận, chứng thư; các quy định khác đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi) với 115 lượt ý kiến của đại biểu Quốc hội. UBTVQH đã tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về dự án luật và được gửi xin ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội. 

Đến nay, dự thảo Luật cơ bản thể hiện ý kiến đa số các vị đại biểu Quốc hội, bảo đảm tính khả thi, minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Về áp dụng pháp luật, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm rà soát kỹ; nghiên cứu các luật và các dự thảo Luật liên quan, chỉnh lý Điều 3 nhằm bảo đảm bao quát về phạm vi điều chỉnh, tuyệt đối không tạo khoảng trống pháp lý; bảo đảm tính thống nhất với pháp luật liên quan; tuân thủ nguyên tắc áp dụng luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối với một số lĩnh vực đặc thù, như đất đai, sở hữu trí tuệ, điện, học phí, dịch vụ giáo dục, dịch vụ khám chữa bệnh, nhà ở, dự thảo Luật đã quy định rõ những vấn đề được thực hiện theo pháp luật chuyên ngành. Nội dung này được thể hiện tại khoản 4 Điều 3 của dự thảo Luật và Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Đối với thẩm quyền quyết định Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, dự thảo Luật giữ như quy định của Luật hiện hành, Quốc hội quyết định Danh mục. Trường hợp cần điều chỉnh, Chính phủ trình UBTVQH  xem xét, quyết định. Đồng thời bổ sung Phụ lục 01 quy định cụ thể những mặt hàng bình ổn giá, bảo đảm công khai, minh bạch. Dự thảo Luật cũng chỉnh lý các quy định có liên quan tại các điều, khoản khác để đảm bảo tính tương thích.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, UBTVQH cho rằng trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Tuy nhiên, đề nghị cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng, dầu; đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn, việc sử dụng Quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả trong điều hành, đồng thời đánh giá kỹ việc thực hiện Nghị định 95/2021/NĐ-CP; sớm đưa giá xăng, dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.

Đối với quy định về thẩm định giá, dự thảo Luật đã hoàn thiện theo hướng quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, cơ quan tương ứng với công việc mà mình thực hiện.

Đồng thời, bổ sung 2 điều bao gồm về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập hội đồng thẩm định giá và quyền, nghĩa vụ của thành viên hội đồng thẩm định giá; quy định rõ hơn về phạm vi thẩm định giá của Nhà nước; bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động của hội đồng thẩm định giá.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của hội đồng; bổ sung quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với hội đồng thẩm định giá, thành viên hội đồng thẩm định giá. Những quy định trên nhằm vừa tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, vừa bảo đảm tính khả thi, giúp các cá nhân, tổ chức yên tâm thực hiện đúng chức trách được giao.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội quan tâm tập trung vào các nội dung có nhiều ý kiến khác nhau và cho ý kiến về những vấn đề đã được báo cáo tương đối chi tiết như giá trần, giá sàn, các dịch vụ hàng không và một số nội dung theo gợi ý trong báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.

Góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Quảng Nam) đề xuất bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay. Theo đại biểu, nếu để giá trần, giá sàn sẽ không phù hợp với chủ trương tinh thần Nghị quyết 11, Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng XII.

Bên cạnh đó, việc bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay cũng sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác, đảm bảo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng cho rằng, vận tải hàng không không phải là dịch vụ thiết yếu. Cũng như vận tải đường sắt, các hãng vận tải phải có sự cạnh tranh công bằng trong dịch vụ vận tải, phản ánh đúng quy định thị trường và quy luật cung cầu. 

Do đó, từ kinh nghiệm quốc tế, việc không quy định giá trần, giá sàn đối với vé máy bay sẽ tạo điều kiện để các hãng hàng không thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đưa nhiều chương trình giá phù hợp, tăng các mức giá rẻ nhằm kích cầu và khuyến khích người dân tham sử dụng dịch vụ vận tải hàng không.

Đại biểu Quốc hội đề xuất bỏ giá trần, giá sàn vé máy bay - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) - Ảnh: quochhoi.vn

Cần giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến giá sách giáo khoa

Liên quan tới vấn đề giá sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho biết, trước đây khi trao đổi về giá sách giáo khoa đã nêu lên một thực tế là việc mua sách giáo khoa trở thành gánh nặng cho nhiều phụ huynh học sinh. Nguyên nhân chính là do các đơn vị phát hành sách thông qua nhà trường bao giờ cũng bán kèm sách giáo khoa với một số lượng sách tham khảo rất lớn. 

Đại biểu hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã tiếp thu ý kiến của đại biểu để ban hành chỉ thị yêu cầu chấm dứt tình trạng đóng gói chung sách giáo khoa và sách tham khảo để buộc học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Đại biểu ghi nhận qua theo dõi thực tế cho thấy về cơ bản chỉ thị đã được thực hiện nghiêm túc.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ, tại kỳ họp thứ 4, trong phiên thảo luận ở hội trường đã đề nghị Luật Giá (sửa đổi) giao Chính phủ quy định giá sách giáo khoa dưới hình thức khung giá bao gồm giá tối đa và giá tối thiểu như đối với các mặt hàng khác được Nhà nước định giá. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng Ban soạn thảo Hồ Đức Phớc đã phát biểu trước Quốc hội tiếp thu ý kiến này.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu dự thảo Luật trình ra Quốc hội lần này để xem xét thông qua, dự thảo không phản ánh ý kiến tiếp thu. Ban soạn thảo cũng không có giải trình ý kiến này. 

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, các quy định có trong Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng, Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Tuy nhiên, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 thể hiện quan điểm khác với Nghị quyết 88 khi không trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục mà cho UBND cấp tỉnh. 

Vì vậy, đại biểu đề nghị trong trường hợp Quốc hội nhận thấy chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mà Quốc hội khóa XIII đề ra có nhiều bất cập thì nên sửa Nghị quyết 88 chấm dứt việc thực hiện chủ trương này.

Trong trường hợp ngược lại thì Quốc hội nên bổ sung những quy định cần thiết trong Luật Giá để bảo đảm sự nhất quán về chủ trương. Đại biểu đề nghị cần giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến giá sách giáo khoa.

Hải Liên