Thảo luận về kinh tế-xã hội tại Quốc hội, ý kiến nhiều đại biểu nhận định, việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới đất nước ta sẽ tiếp tục phải đối mặt, ứng phó với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí những khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi, bởi tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực.
Ở trong nước, các cấp các ngành vừa phải thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao, vừa phải tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách, mới phát sinh.
Bối cảnh đó đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực vượt khó, khắc phục hạn chế, bất cập, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực.
Phân tích rõ hơn về vấn đề diễn biến của bối cảnh, tình hình tác động tới đất nước ta, trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, bà Tạ Thị Yên nhấn mạnh, đất nước ta có nền kinh tế mở với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2022 đạt 730,2 tỷ USD, gấp 1,8 lần GDP, trong đó riêng kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD, bằng 90% GDP, có nghĩa là tới 90% những gì chúng ta làm ra được là cho thị trường quốc tế. Bởi thế, bên cạnh những yếu kém nội tại vốn có của một nền kinh tế chuyển đổi, thì bất kỳ sự thay đổi nào của thị trường thế giới cũng có tác động nhiều chiều đến kinh tế trong nước.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức; áp lực lạm phát tăng cao, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, động lực tăng trưởng suy giảm mạnh chủ yếu chịu tác động từ bên ngoài, như giá một số nguyên, nhiên vật liệu đầu vào biến động mạnh, thiếu hụt nguồn cung đầu vào, thị trường xuất khẩu thu hẹp do sức cầu tại các thị trường lớn suy yếu...
Ngoài ra còn có những khó khăn trong nước như dòng vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh, chi phí lãi vay tăng cao, việc tiếp cận vốn từ hệ thống ngân hàng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp...
"Từ đó, tôi cho rằng, cần đặc biệt chú trọng tới công tác đánh giá, phân tích, dự báo tình hình nói chung và thị trường cả trong và ngoài nước nói riêng, nhất là khi có những biến động lớn về thị trường xuất, nhập khẩu bị thu hẹp, đơn hàng giảm, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng...", đại biểu Tạ Thị Yên nêu quan điểm và nhấn mạnh, chúng ta cần nhìn xa hơn, rộng hơn, sớm nhìn ra những vấn đề của chính mình trong bối cảnh có sự liên hệ chặt chẽ, mật thiết với thế giới, qua đó Chính phủ đề ra những giải pháp hiệu quả, phù hợp về chỉ đạo, điều hành một cách đúng hướng, bài bản, khoa học, sát với thực tiễn của tình hình.
"Phải tăng cường năng lực, công tác dự báo để cho dù tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động phức tạp thế nào đi nữa nhưng cũng không để xảy ra tình trạng 'vượt quá khả năng dự báo'. Từ đó xây dựng các kịch bản, triển khai thực hiện các kế hoạch cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao khả năng chống chịu và phản ứng chính sách trước các cú sốc từ bên ngoài trong bối cảnh có nhiều biến động", đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên nhấn mạnh.
Từ phân tích, dự báo đúng tình hình, bà Tạ Thị Yên đề nghị Chính phủ có các giải pháp hiệu quả và phù hợp để tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tập trung mạnh cho tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy thực hiện các 3 chương trình mục tiêu quốc gia...
Trong chuyển đổi số quốc gia, một số ngành có thế mạnh về công nghệ, có độ lan tỏa mạnh, như tài chính, ngân hàng phải đi đầu với các mô hình dịch vụ mới dựa trên những tiến bộ về khoa học công nghệ, như ngân hàng số chẳng hạn, để phục vụ người dân và doanh nghiệp với chi phí tối thiểu, lợi ích tối đa.
Trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ, nhất là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công trong thực hiện một số nội dung của các chương trình còn chậm, đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, có giải pháp hiệu quả để tháo gỡ cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các chương trình này.
Hải Liên