In bài viết

Đại biểu Quốc hội lo lắng người bệnh phải chịu thêm thuế phí

(Chinhphu.vn) - Chiều 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

06/11/2024 20:35
Đại biểu Quốc hội lo lắng người bệnh phải chịu thêm thuế phí- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Khánh Thu: Nếu đấu thầu, người bệnh phải chịu thêm thuế/ phí - Ảnh: VGP/LS

Phát biểu ý kiến, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) quan tâm tới việc sửa đổi, bổ sung của Luật Đấu thầu tại khoản 2 Điều 55 của Luật Đấu thầu về quy định bán lẻ thuốc tại nhà thuốc của bệnh viện công lập. Đại biểu cho rằng, việc mua thuốc để bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện sử dụng nguồn thu hợp pháp nhưng vẫn thuộc đối tượng áp dụng tại Điều 2 Luật Đấu thầu nên gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, nếu sửa như dự thảo Luật là áp dụng mua sắm trực tiếp thì chưa thể tháo gỡ được khó khăn mua sắm tại các cơ sở y tế công lập, trong đó có việc mua thuốc cho các cơ sở bán lẻ thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện công lập. Bà Khánh Thu nêu lên 2 lý do, bao gồm:

Thứ nhất, mua sắm trực tiếp không phải là áp giá. Trong các quy định về đấu thầu không có hình thức nào áp giá. Mua sắm trực tiếp cũng là một hình thức lựa chọn nhà thầu nên cần thực hiện các quy trình, trình tự lựa chọn nhà thầu như: xây dựng kế hoạch và khó xác định được nhu cầu để xây dựng kế hoạch; tổ chức thẩm định, phê duyệt chọn nhà thầu; phát hành hồ sơ, đánh giá hồ sơ, đề xuất và thẩm định cũng như phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Thời gian các bước không thể cắt ngắn được.

Trong khi nhà thuốc bệnh viện không chỉ phục vụ người bệnh nội trú mà còn phục vụ người bệnh ngoại trú, người nhà người bệnh và các đối tượng khác. Hiện nay cũng chưa có mẫu hồ sơ đối với việc mua sắm trực tiếp.

Thứ hai, nhà thuốc bệnh viện hoạt động theo hình thức kinh doanh có đóng thuế nên hàng hóa bán tại đây có cả chi phí tổ chức đấu thầu và các chi phí, thuế phí của cơ sở kinh doanh sẽ được tính trên giá thành sản phẩm. Người dân sẽ lại phải chịu tăng thêm chi phí này. Nguồn thu hợp pháp của đơn vị tự chủ công lập còn có nguồn thu khác như: căng-tin, tạp hóa. Nếu áp dụng phạm vi Điều 2 của Luật Đấu thầu thì các sản phẩm tại đây cũng thuộc đối tượng áp dụng.

Do đó, đại biểu Trần Khánh Thu kiến nghị sửa lại khoản 2 Điều 55 như sau: Đối với việc mua sắm thuốc không thuộc đối tượng BHYT chi trả, mua vaccine tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, hàng hóa bán lẻ (bao gồm mua thuốc để bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở KCB công lập) thì cơ sở KCB, cơ sở y tế tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, kinh tế và trách nhiệm giải trình.

Cùng cho ý kiến về vấn đề này, bác sỹ Trần Thị Nhị Hà (Đoàn TP. Hà Nội) nêu quan điểm, cơ sở bán lẻ thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh là nơi cung cấp thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và hàng hóa thiết yếu trong khuôn viên bệnh viện.

Nhà thuốc bệnh viện bán thuốc theo nhu cầu của người bệnh mà không dự trù trước được về danh mục, số lượng nên rất khó để xây dựng được kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Nếu thiếu thuốc tại nhà thuốc bệnh viện buộc người dân phải mua bên ngoài. Điều này vừa bất tiện, khó kiểm soát chất lượng, giá cả và ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất.

Trước thực trạng trên, bà Nhị Hà kiến nghị sửa khoản 2 Điều 55 như sau: "Đối với việc mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; mua thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng hóa thiết yếu khác tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh công lập thì cơ sở khám chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu".

Đại biểu Quốc hội lo lắng người bệnh phải chịu thêm thuế phí- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên thảo luận - Ảnh: VGP/LS

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu để thể chế hóa chủ trương của Đảng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc có tính chất cấp bách, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giải phóng và huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, các lĩnh vực đột phá của vùng phát triển kinh tế - xã hội. 

Về sửa đổi Luật Quy hoạch, các đại biểu đề nghị cần đồng bộ, thống nhất với các quy định về quy hoạch tại các luật chuyên ngành để đảm bảo thống nhất, không xảy ra mâu thuẫn. Các đại biểu cũng cho ý kiến về chi phí cho các hoạt động quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn, danh mục dự án dự kiến, có đại biểu đề nghị nghiên cứu quy hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính quốc gia. 

Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về áp dụng Luật Đầu tư, thủ tục đầu tư đặc biệt, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, của UBND các tỉnh, đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch, chấm dứt dự án đầu tư quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp trong sửa đổi Luật Đầu tư, thủ tục đầu tư dự án trong các lĩnh vực công nghệ cao, khu công nghệ thông tin và khu thương mại tự do. 

Một số ý kiến đề cập đến lĩnh vực quy mô đầu tư theo phương thức PPP, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, cơ sở của việc luật hóa quy định dự án BT, quy định chuyển tiếp trong việc sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; đề nghị các giải pháp bù đắp rủi ro, xử lý các tồn tại do nguyên nhân khách quan của các dự án PPP. 

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu tham gia về quy định về đấu thầu trước, giải quyết các tranh chấp trong đấu thầu quốc tế, chỉ định thầu và lưu ý xem xét mức quy định về đấu thầu hợp lý, phù hợp của các dự án sử dụng vốn có sự nghiệp có tính chất đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, các hình thức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành, quy định mua thuốc để bán lẻ tại các nhà thuốc, bệnh viện công lập trong việc sửa đổi Luật Đấu thầu, công bố thông tin về kết quả đấu thầu, mua sắm, có các chế tài nghiêm khắc xử lý các trường hợp lợi dụng việc đấu thầu. 

Lê Sơn