In bài viết

Đại biểu Quốc hội nói về lấy phiếu tín nhiệm

(Chinhphu.vn) - Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV đó là Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

24/10/2018 15:20

Qua Cổng TTĐT Quốc hội, TTXVN,... nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ ý kiến về nội dung quan trọng này.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), việc lấy phiếu tín nhiệm vào thời điểm này rất quan trọng, bởi vì chúng ta đang đánh giá giữa kỳ. Sẽ có cơ sở để đánh giá các chức danh này không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ, để có điều kiện nhắc nhở thông báo, cảnh báo, thậm chí có thể thay đổi. 

Đây là công việc rất bình thường và những được bầu vào những chiếc ghế đó, họ phải biết rằng, cần cố gắng hơn rất nhiều lần so với những người khác trong cả nói và làm, trong cả tư duy và những vấn đề có liên quan đến công việc, công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, tức là liên quan đến cả công việc và con người.

Việc đánh giá của các đại biểu đối với các chức danh này không chỉ dựa trên cơ sở báo cáo cá nhân của các thành viên đó, mà dựa trên toàn bộ những vấn đề giám sát.

“Chúng tôi có rất nhiều cơ hội và cơ sở để giám sát,  nhiều thông tin qua công luận, báo chí, ý kiến cử tri và trực tiếp giám sát ở tất cả các nơi, như cá nhân tôi đi rất nhiều nơi nên tôi sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình” – đại biểu nói.

Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ thể hiện rất rõ, bản thân những người được lấy phiếu tín nhiệm phải đánh giá lại mình. Thứ  hai, dựa trên tỉ lệ lấy phiếu  tín nhiệm các đại biểu Quốc hội cũng phải nhìn nhận lại: tại sao mình lại bỏ phiếu, trong khi những nguời khác không đồng ý. Tạo ra một sự phân hóa trong chính các đại biểu quốc hội. 

Thứ ba là để nhân dân và cho các cơ quan lãnh đạo của Đảng biết được người mà Đảng giới thiệu sang làm nhiệm vụ Nhà nước có đảm bảo đầy đủ phẩm chất và năng lực không, có nên tiếp tục giữ trọng trách đó không. Ý nghĩa thì rất nhiều, nhưng đánh giá của nhân dân là quan trọng nhất.

Theo đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương), việc lấy phiếu tín nhiệm không phải quy trình đột xuất, mà đã được các đại biểu theo dõi, giám sát từ đầu nhiệm kỳ, khi Quốc hội bầu vào các vị trí. 

Những người được Quốc hội đưa ra lấy phiếu tín nhiệm đã được các đại biểu nhận diện đầy đủ, thận trọng, đánh giá đa chiều, để đưa ra quyết định đúng sau khi bỏ phiếu. Theo đó, việc “chấm điểm” này dựa trên các yếu tố: Có hoàn thành nhiệm vụ không, quyền hạn có sử dụng đúng không; trách nhiệm phục vụ nhân dân như thế nào trong điều kiện chính phủ kiến tạo, liêm chính; lối sống, đạo đức, mức độ nhiệt tình của người đó trong công việc, có làm hết sức mình không hay sau khi nhận chức, được tặng hoa thì không làm việc hết mình, làm việc lấy lệ; kê khai tài sản, có điều gì bất thường không, mức sống có quá xa cách với người dân không?

Đặc biệt là việc liên quan tới thu nhập, tài sản. Thu nhập, tài sản có vượt quá mức xứng đáng được nhận không? Việc này nhân dân cũng theo dõi, do đó việc giải trình rất quan trọng, tạo điều kiện cho 48 người được lấy phiếu tín nhiệm có điều kiện trình bày.

Mặc dù bản kiểm điểm của những người lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi tới các đại biểu, nhưng trong đó ít người nói tới vấn đề tài sản. Do vậy, nếu có chất vấn về tài sản thì phải trả lời. Trong thời gian tới, khi có Luật phòng chống tham nhũng mới sẽ giải quyết vấn đề này, nhưng việc nêu gương của những người lãnh đạo thì việc kê khai tài sản phải thực hiện trước. Việc kê khai tài sản rất quan trọng, nếu tài sản của người nào đó tăng lên gấp nhiều lần so với thu nhập thì đó là lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Điều đó không ai chấp nhận.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm đó chính là khẳng định được uy tín và nỗ lực hoàn thành tốt công việc của những đại biểu được tín nhiệm. Còn những đại biểu có tín nhiệm thấp sẽ phải có những chương trình hành động cụ thể khắc phục được điểm bất cập, hạn chế của mình trong trong các lĩnh vực phụ trách. Việc lấy phiếu tín nhiệm kỳ này đã cung cấp sớm cho các đại biểu Quốc hội những báo cáo đánh giá thực hiện nhiệm vụ của các đại biểu từ đầu nhiệm kỳ tới nay  để có cơ sở cho Quốc hội đánh giá, nhận xét.

Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM: Trong Kỳ họp Quốc hội khóa XIII, Quốc hội cũng đã bỏ phiếu lấy phiếu tín nhiệm đối với các lãnh đạo, chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Qua lần lấy phiếu tín nhiệm này đã thể hiện năng lực, đóng góp của từng thành viên Chính phủ. Có những Bộ trưởng khi lấy phiếu ở kỳ thứ nhất thấp, sau đó phấn đấu hoàn thành rất tốt xuất sắc nhiệm vụ được giao thì phiếu đánh giá đạt rất cao. Chính vì vậy, phiếu đánh giá năng lực, tín nhiệm giúp cho các đại biểu làm việc tốt hơn và đánh giá được kết quả hoạt động đóng góp. Đại biểu tin rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp này sẽ thể hiện được kết quả mong muốn giống như kết quả tình hình phát triển kinh tế, xã họi của nước ta trong nửa nhiệm kỳ qua.

Theo đại biểu Bùi Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: Có thể nói chủ trương lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là chủ trường rất đúng của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở đó với trách nhiệm là đại biểu nhân dân, được nhân dân tín nhận bầu ra có chức năng giám sát chức danh các cơ quan nhà nước. Từ đó làm đội ngũ cán bộ ngày càng trong sạch hơn, vững mạnh hơn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là những lời hứa trước nhân dân, trước Quốc hội, cử tri sẽ được các đại biểu đánh giá.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Trong lần lấy phiếu tín nhiệm này, các đại biểu Quốc hội đã có sự chuẩn bị để bỏ phiếu tín nhiệm đối với những đại biểu thực sự công tâm khách quan, vô tư, trung thực để không ảnh hưởng đến những vị trí đại biểu chúng tôi đã bầu ra. Các đại biểu Quốc hội sẽ dánh giá các thành viên được lấy phiếu tín nhiệm dựa trên cơ sở các hoạt động từ đầu nhiệm kỳ đến nay về những vấn đề được cử tri quan tâm, được Quốc hội xem xét đã được hồi đáp ra sao, đã làm được gì và chưa làm được gì… Ngoài ra, đó còn là một kênh thông tin giúp các đại biểu đánh giá được mức độ tín nhiệm qua ý kiến của đông đảo các cử tri trên cả nước. Trên cơ sở đó, các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu tin nhiệm với tinh thần thẳng thắn, khách quan và công tâm nhất.

Còn đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho rằng: Trong quá trình đánh giá kinh nghiệm này cũng là giám sát cao đối với các cá nhân giữ vị trí công tác. Bỏ phiếu tín nhiệm lần này để các cá nhân phải nỗ lực nhiều hơn trong công tác đề ra những hoạch định chính sách để khắc phục những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực điều hành của mình./.