In bài viết

Đại biểu Quốc hội tranh luận 'bỏ' hay 'giữ' Thanh tra cấp huyện

(Chinhphu.vn) - 'Bỏ' hay 'giữ' Thanh tra cấp huyện, tránh trùng lặp giữa thanh tra và kiểm toán được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến khi thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi.

13/06/2022 19:03
Đại biểu Quốc hội tranh luận 'bỏ' hay 'giữ' Thanh tra cấp huyện   - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh): Nghiên cứu thấu đáo để luật sửa đổi lần này khắc phục tình trạng chồng chéo về thẩm quyền hoạt động thanh tra các cấp. Ảnh: VGP/L.S

Thanh tra huyện làm ít là lỗi của công tác quản lý và quy định của luật

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra; cho rằng, dự thảo Luật đã bảo đảm nguyên tắc quán triệt, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với công tác thanh tra.

Về ý kiến bỏ Thanh tra cấp huyện, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) bày tỏ không hài lòng và cho rằng đề nghị này là chưa sát thực tế. Đại biểu đề nghị cần có khảo sát xem có bao nhiêu người trong số hơn 700 Chủ tịch UBND cấp huyện trong cả nước nói không cần thiết phải có Thanh tra cấp huyện? Bởi đây là những người sát thực tế nhất, nắm tình hình, chất lượng hoạt động, hiệu quả công tác và sự cần thiết có hay không có của tổ chức Thanh tra cấp huyện hiện nay và từ trước tới nay.

"Không có Thanh tra cấp huyện thì ai sẽ giúp Chủ tịch UBND huyện phát hiện sơ hở, vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn, nhất là vi phạm những quy định của chính quyền cấp huyện ban hành? Nếu nói chuyển cho Thanh tra tỉnh làm thì khi đó Thanh tra tỉnh ngoài chức năng là cơ quan giúp việc của UBND tỉnh, đồng thời cũng lại giúp việc cả UBND cấp dưới nữa liệu có ổn không? Phải đánh giá là thực trạng Thanh tra cấp huyện làm được ít cuộc thanh tra chứ không phải nhu cầu thanh tra ở cấp huyện ít, là do ít người, thường xuyên luân chuyển nên trình độ chuyên môn hạn chế, lại quen biết nên hiệu quả thấp, do nể nang, xuê xoa, thậm chí còn không làm được theo đúng ý chí của mình, bản lĩnh của mình. Các nguyên nhân đó là lỗi của công tác quản lý bộ máy và chính quy định của luật", đại biểu Thu Hà phân tích.

Đề cập về khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán, đại biểu Thu Hà cho rằng, cần nghiên cứu thấu đáo để luật sửa đổi lần này khắc phục tình trạng chồng chéo về thẩm quyền hoạt động thanh tra các cấp giữa Thanh tra bộ, ngành, sở với thanh tra các cấp hành chính cấp dưới. Mặt khác, có quy định sao cho không còn xảy ra tình trạng mời thanh tra để tránh kiểm toán hoặc mời kiểm toán để tránh thanh tra.

Có những quy định không khả thi

Theo đại biểu, quy định của dự thảo về việc phối hợp giữa thanh tra và kiểm toán cũng chưa giải quyết được triệt để vấn đề chồng chéo và trùng lặp giữa hoạt động của hai cơ quan này, vì căn cốt của vấn đề là do chức năng, nhiệm vụ của 2 ngành theo quy định hiện nay không có sự tách bạch, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ có nhiều nội dung chồng lấn nhau.

Các quy định về việc phối hợp trao đổi thông tin giữa thanh tra và kiểm toán mới chỉ giải quyết được một số tình huống cụ thể trong xử lý chồng chéo giữa hai lĩnh vực, luật chưa phân định được rõ chức năng, nhiệm vụ chồng chéo giữa hai ngành nên việc chồng chéo sẽ vẫn còn tiếp diễn. Trong dự thảo luật quy định về xử lý chồng chéo cũng chưa có quy định về việc bắt buộc thừa kế kết quả thanh tra, kiểm toán đối với những nội dung mà đoàn kiểm toán hoặc thanh tra trước đó đã làm.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Vũ Huy Khánh (đoàn Bình Dương) nhất trí với quan điểm thứ nhất của cơ quan thẩm tra cho rằng việc tiếp tục duy trì mô hình tổ chức Thanh tra cấp huyện là cần thiết, tuy nhiên cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ hơn và đánh giá tác động kỹ hơn.

Về cơ chế để bảo đảm không có sự chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán, đại biểu Vũ Huy Khánh cho rằng, việc bổ sung quy định này trong dự thảo luật là rất cần thiết. Tuy nhiên để bảo đảm thực hiện đúng như nguyên tắc được thể hiện tại Điều 107 dự thảo luật đó là một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ có thể là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc kiểm toán thì Điều 52 dự thảo luật chưa chặt chẽ và chưa giải quyết được theo hướng này.

Điều 52 quy định: "Hai cơ quan thỏa thuận, trao đổi với nhau, nếu không thỏa thuận được thì cơ quan nào đến trước sẽ tiếp tục tiến hành". Theo tờ trình và giải trình của cơ quan soạn thảo thì giữa hai cơ quan đã có quy chế phối hợp, vậy phải giải quyết ngay từ khâu trước khi vào đơn vị, tổ chức thanh tra chứ không phải ai đến trước làm trước mà vấn đề đến trước làm trước lại thực hiện sau khi trao đổi không thành, quy định như vậy không khả thi.

Cần đánh giá kỹ tiêu chí thu ngân sách cấp huyện để xem 'có hay không tổ chức thanh tra cấp huyện'

Đồng tình duy trì Thanh tra cấp huyện, song đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề, có phải huyện nào cũng cần cơ quan thanh tra?

Theo ông Cừ, trong 705 đơn vị hành chính cấp huyện thì các quận, TP thuộc TP và thị xã "khác biệt rất xa" so với nhiều huyện miền núi, cả về quy mô, tính chất trong công tác quản lý nhà nước...

"Một quận ở Hà Nội thu (ngân sách) năm 2021 là 12.000 tỷ đồng, trong khi một huyện miền núi cũng năm đó thu trên địa bàn chỉ 15 tỷ đồng. Khác biệt rất lớn", ông Cừ dẫn chứng.

Đại biểu đoàn Hà Nội nói, có quận, huyện, sau 10, 20 năm nữa có thể tiến tới thành lập cả thanh tra cấp phường vì 1m2 đất giá trị hàng tỷ đồng, công tác quản lý ở các lĩnh vực nảy sinh các vấn đề phức tạp.

Tuy nhiên, nếu huyện nào cũng thành lập cơ quan thanh tra và đối tượng thanh tra là cấp xã thì ông Cừ băn khoăn. Bởi, "năm 2016 tôi đến một xã, thu ngân sách của xã được huyện giao cho 14 triệu đồng/năm".

Từ đó, đại biểu đề nghị, với huyện nghèo và cận nghèo thì cân nhắc thành lập cơ quan thanh tra. "Thành lập một phòng ít nhất phải có 3 người, vì phải có Chánh thanh tra, Phó Chánh thanh tra và chuyên viên. Trong khi, các phòng, ban khác lo về xoá đói giảm nghèo, lo vấn đề dân sinh thì "đầu tắt mặt tối", ông Cừ nêu ý kiến.

Không đồng tình, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) giơ biển tranh luận. Theo đại biểu, việc xác định tiêu chí thu ngân sách cấp huyện để xem "có hay không tổ chức thanh tra cấp huyện cần đánh giá thật kỹ".

Ông An cho rằng, nơi nào có quản lý nhà nước thì ở đó có thanh tra và cấp huyện là cấp quản lý nhà nước nên có cơ quan thanh tra là hợp lý.

"Cơ quan thanh tra không chỉ thực hiện nhiệm vụ thanh kiểm tra mà còn thực hiện nhiệm vụ khác như tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thường trực của cơ quan phòng chống tham nhũng…", đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ quan điểm giữ cơ quan thanh tra cấp huyện.

Về vấn đề này, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho hay, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Pháp luật nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của Thanh tra huyện, cũng như tham mưu trình Chính phủ các quy định cụ thể nhằm kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cho cơ quan Thanh tra huyện, đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay.

Lê Sơn