Đại biểu Bùi Sĩ Lợi. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu thảo luận tại nghị trường Quốc hội vào sáng nay 26/5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi đã dành thời gian nói về phiên toàn xét xử sơ thẩm 3 bị cáo liên quan đến sự cố chạy thân làm 9 người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Đại biểu nói: “Qua vụ xét xử Bác sĩ Hoàng Công Lương tôi thấy băn khoăn”.
“Nếu luận tội như thế này rất ảnh hưởng tới ngành y tế. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế nói thêm về điều này. Cá nhân tôi nghĩ rằng Bác sĩ Hoàng Công Lương có thể vô tội”, Phó Chủ nhiệm Bùi Sĩ Lợi nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ và các Cơ quan tập trung các giải pháp hết sức quyết liệt để ngăn chặn tình trạng bạo hành bác sĩ và nhân viên ngành y tế và vấn đề bạo hành trong học đường và xâm hại tình dục.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Nhận xét “oan sai” khi tòa đang xử là rất cảm tính
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) phát biểu cho rằng, trong thời gian gần đây, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vụ án. Sự quan tâm của đại biểu Quốc hội về những vấn đề của vụ án là rất cần thiết, thể hiện trách nhiệm trước Nhà nước và trước nhân dân.
Khẳng định điều này, song đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, trong thời gian qua có ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá oan sai, thậm chí dẫn dắt dư luận là có tội hay không có tội. Nhận xét như vậy trong khi Tòa án đang xét xử là rất cảm tính, bởi tòa án đang trong quá trình tranh tụng, chưa có phán quyết.
Việc phát ngôn như vậy thực sự là không mang lại sự giải quyết đúng đắn về hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử nhân danh Nhà nước, thậm chí định hướng dư luận tạo nên sức ép không cần thiết đối với hoạt động của các cơ quan tham gia giải quyết vụ án.
Quốc hội ban hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản liên quan để bảo vệ đầy đủ quyền con người và quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật.
“Nếu đại biểu Quốc hội thấy có cơ sở và căn cứ giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật làm sáng tỏ vụ việc thì pháp luật cũng có quy định để đại biểu tham gia giải quyết vụ án một cách chính xác”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nói.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn. Ảnh VGP/ Nhật Bắc |
Không thể quy trách nhiệm cho một người làm đúng chức trách nhiệm vụ
Ngay sau phát biểu của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, hai đại biểu Quốc hội công tác trong ngành y tế là đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) và đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) đã giơ biển tranh luận.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nêu rõ, vụ án ở Hoà Bình không chỉ được các nhân viên y tế quan tâm mà cử tri cũng rất quan tâm đến sự minh bạch, khách quan và công tâm của phiên xử.
Chúng ta không thể xét xử một người với tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi họ thực hiện nhiệm vụ mà không có quy trình hay nói đúng ra là quy trình này vừa có đúng vào tháng 4/2018.
Chúng ta không thể quy trách nhiệm cho một bác sĩ chỉ biết cứu người và làm đúng chức trách nhiệm vụ của họ, ngoài công việc họ không được giao và kỹ năng họ không được đào tạo đó là việc chuẩn hóa nguồn nước RO trong chạy thận nhân tạo.
Khẳng định điều này, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn mong rằng, phiên xử này sẽ mang lại tiếng nói công minh, mang lại lòng tin của các nhân viên y tế, một tiếng nói từ lương tri, khách quan để bảo vệ cho công lý, bảo vệ cho các thầy thuốc đang ngày đêm âm thầm cứu chữa người bệnh cho dù họ chưa được bảo vệ trước những hành động quá khích, bạo lực trong bệnh viện.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh VGP/ Nhật Bắc |
Chúng tôi chỉ muốn đánh giá đúng người, đúng tội
“Tôi thống nhất đồng thuận với đại biểu Nguyễn Quang Tuấn”, nhấn mạnh điều này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu rõ, “ở đây, tôi không nói rằng đúng hay sai. Chúng tôi khi trả lời báo chí và phát biểu quan điểm của mình là quyền của người đại biểu nhân dân, đại biểu của người dân và ở đây không phải là vấn đề định hướng cho tòa án.
Tất cả phải xử theo pháp luật và phải nhìn trên khía cạnh toàn diện. Tòa án có thể có sai lầm hoặc chưa thể lắng nghe ý kiến ở các bên. Thế thì, thông qua diễn đàn Quốc hội và diễn đàn báo chí, chúng tôi phát biểu và chịu trách nhiệm về phát biểu của mình. Và chúng ta đã có những tiền lệ. Tôi tự hỏi nếu không có dư luận, nếu không có những phân tích thì vụ án VN Pharma với vấn đề thuốc ung thư giả có được Tòa án cấp cao xem lại hay không? Bây giờ vụ án này cũng đang tiếp tục trong quá trình tố tụng.
Chúng ta đang sống trong xã hội dân chủ và tất cả những ý kiến đều phải được tôn trọng. Còn chúng tôi khẳng định không có sự định hướng đối với xét xử của Tòa án, nếu Tòa án làm đúng thì vẫn là đúng”.
Nêu rõ, dư luận trong ngành và cả dư âm để lại sẽ dẫn đến hậu quả to lớn trong tâm lý, tâm trạng của những người bác sỹ, nhân viên ngành y tế, một lần nữa, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan khẳng định, “chúng tôi chỉ muốn làm sao phải đánh giá đúng người, đúng tội. Và chúng tôi cũng mong chờ ở Bộ Y tế, Sở y tế và các ngành, các cấp có tiếng nói để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự thật, bảo vệ cho nhân viên của mình nếu người đó làm đúng”.
Tiếp đó, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (TP Hà Nội) cũng giơ biển tranh luận về ý kiến của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh. Điều hành Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chốt lại: “Vụ việc đang trong quá trình tố tụng, ý kiến của đại biểu Quốc hội, dư luận và cử tri sẽ được các cơ quan chức năng xử lý đúng quy định của pháp luật”.
Liên quan đến vụ việc, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về kiến nghị của Bác sĩ Hoàng Công Lương, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Trước đó, Bác sĩ Hoàng Công Lương, công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có đơn gửi Thủ tướng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá công bằng, đúng bản chất hành vi của bác sĩ trong vụ việc sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình ngày 29/5/2017. Về việc này, Phó Thủ tướng chỉ đạo chuyển đơn của Bác sĩ Hoàng Công Lương đến Tòa án nhân dân tỉnh Hoà Bình để chỉ đạo xem xét, giải quyết theo đúng quy định; đảm bảo việc xét xử công bằng, không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan người vô tội. |