Phát biểu tại phiên họp, nhiều đại biểu bày tỏ thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục quản lý thuế và tạo môi trường pháp luật thống nhất, đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế cũng như việc khắc phục những hạn chế bất cập của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành.
Đi vào các vấn đề cụ thể, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) kiến nghị, cần đánh giá kỹ đối với việc chuyển đổi phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Bởi dự thảo Luật lần này đã chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế suất 5%.
Theo cơ quan soạn thảo, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm khiến giá thành sản phẩm tăng, lợi nhuận giảm, bất lợi cho việc cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Từ đó, đại biểu đề nghị cần tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu kỹ việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Vì phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng của sản xuất nông nghiệp, là hàng hóa sử dụng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, đặc biệt là người nông dân sẽ chịu tác động lớn bởi quy định này.
Đồng quan điểm này, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) co rằng, nên xem xét sửa đổi Luật theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng 0%.
Đại biểu cho biết, qua các kỳ tiếp xúc cử tri, các đại biểu đều tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri liên quan đến chi phi đầu tư cho mỗi kỳ canh tác gồm giá phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật, giá xăng dầu, giá thuê nhân công, vận chuyển tăng gấp nhiều lần. Sự mâu thuẫn giữa giá nông sản và giá phân bón kéo dài thời gian qua vẫn luôn là vấn đề nóng của nông nghiệp Việt Nam.
Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng 0%. Nếu Luật vẫn giữ 5% đối với mặt hàng phân bón thì nông dân phải bỏ ra khoảng 6.000 tỷ đồng. Còn nếu dự thảo Luật áp dụng thuế giá trị gia tăng 0% đối với mặt hàng phân bón thì khoảng 2.000 tỷ đồng thay vì được bổ sung vào nguồn thu NSNN thì nguồn này sẽ hỗ trợ lại cho doanh nghiệp và nông dân. Như vậy nông dân sẽ được giảm đáng kể chi phí đầu vào.
"Nếu dự thảo Luật đưa mặt hàng phân bón là đối tượng chịu mức thuế suất 5% như dự kiến thì tăng áp lực cho nông dân trong điều kiện ngành nông nghiệp chịu nhiều tổn thương nhất", đại biểu Tô Ái Vang bày tỏ.
Đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn Yên Bái) phân tích: Chúng ta cân nhắc việc áp dụng mức thuế suất 5% đối với phân bón bởi bản chất thuế giá trị là thuế gián thu có tính trung lập, tính kinh tế cao thể hiện ở hai khía cạnh: thuế giá trị gia tăng không chịu ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh của người nộp thuế, do vậy thuế giá trị gia tăng không phải là yếu tố của chi phí sản xuất, đơn thuần là khoản thu được cộng thêm vào giá bán của người cung cấp dịch vụ; thuế giá trị gia tăng không bị ảnh hưởng bởi quá trình tổ chức và phân chia quá trình sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, theo quy định của Luật, giá của phân bón thuộc danh mục bình ổn giá, do đó cần đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hài hào lợi ích giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ với người tiêu dùng.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) nhận định, hiện nay bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi tốt sau đại dịch COVID-19 và hiện tại Quốc hội, Chính phủ đang vẫn còn phải tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế VAT.
Nếu đưa mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang nhóm hàng hóa phải chịu mức thuế suất 5%, chắc chắn sẽ tác động ảnh hưởng đến thu nhập của hàng triệu hộ gia đình nông dân và tính hiệu quả, cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Đại biểu đề nghị cần phải có khảo sát, đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng phải chịu thuế.
Trong đó đánh giá tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón, phục vụ sản xuất nông nghiệp và tác động từ việc tăng giá của sản phẩm phân bón, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân ra sao, hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thế nào?
Tuy nhiên, ngược với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) bấm nút phát biểu tranh luận lại tán thành việc áp 5% thuế VAT đối với mặt hàng phân bón.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh nêu rõ, việc đưa mặt hàng phân bón trở thành đối tượng chịu thuế là hoàn toàn phù hợp, giúp cho doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, tạo sự bình đẳng với phân bón nhập khẩu, qua đó giúp cho doanh nghiệp giảm giá bán cho nông dân, tăng thu nhập cho ngân sách nhà nước. Đại biểu cũng cho biết, hầu hết các nước trên thế giới đều coi phân bón là đối tượng chịu thuế như Nga, Trung Quốc, Thái Lan,...
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Thuế VAT có phạm vi điều tiết rất rộng và đánh vào hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ nên sẽ liên quan đến lợi ích của nhiều nhà sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, quy định trong dự thảo cần làm thế nào để đảm bảo cho sản xuất phát triển, thương mại phát triển, từ đó quy định thống nhất theo đúng Chiến lược thuế theo nghị quyết của Đảng, nên ban soạn thảo nghiên cứu hết sức chặt chẽ và đánh giá tác động của từng vấn đề liên quan đến chính sách thuế VAT, bao quát được các nguồn thu, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng cho biết, theo chiến lược đến năm 2030 phải huy động vào ngân sách 16-17% GDP, trong đó thuế và phí là 14-15% GDP, tỷ lệ thu nội địa phải đạt được 86- 87%. Qua ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, lắng nghe ý kiến và đánh giá lại tác động của từng gói chính sách và những vấn đề đang còn tranh luận để đến kỳ họp sau đảm bảo thống nhất khi ban hành.
Lê Sơn