In bài viết

Đại diện WHO tại Việt Nam nói về mối liên hệ giữa virus Zika và bệnh đầu nhỏ

(Chinhphu.vn) - Tiến sĩ Lokky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về tình hình lây lan virus Zika trên thế giới, các biện pháp phòng chống như cuộc thử nghiệm thả muỗi chống Zika tại một số nước, gồm Việt Nam.

27/02/2016 15:38

Tiến sĩ Lokky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam.
Tính đến thời điểm này, có 6 quốc gia/vùng lãnh thổ (gồm Brazil, Polynesia (thuộc Pháp), El Salvador, Venezuela, Colombia và Suriname) đã thông báo về sự gia tăng tỉ lệ các trường hợp mắc dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh sau khi bùng phát virus Zika.

Ngày 1/2 vừa qua, dựa trên những khuyến nghị của Ủy ban ứng phó tình trạng khẩn cấp Điều lệ y tế quốc tế, WHO đã tuyên bố mối quan hệ nhân quả giữa virus Zika và sự gia tăng các ca dị tật đầu nhỏ bẩm sinh là hết sức đáng ngờ và ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Theo ông, nguyên nhân vì sao thời gian gần đây virus này lại lan truyền nhanh như vậy?

Ông Lokky Wai: Hiện vẫn chưa rõ lý do vì sao loại virus này xuất hiện quy mô lớn trong thời gian này như vậy. Từ năm 2007, thế giới chưa ghi nhận sự bùng phát virus Zika lớn nào và người ta cũng hầu như không biết gì về triệu chứng và căn bệnh do virus này gây ra.

Những gì chúng ta biết là đa số người bệnh nhiễm virus này sau khi bị mỗi Aedes cắn - loại muỗi gây ra bệnh sốt xuất huyết, vàng da và Chikungunya (bệnh đi khom lưng).

Trong hầu hết các trường hợp, virus Zika lây lan qua muỗi Aedes tại các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Muỗi Aedes không sống được ở những vùng ôn đới.

Theo một thông báo của WHO, các chuyên gia đồng ý rằng mối quan hệ nhân quả giữa nhiễm virus Zika trong thai kỳ và dị tật đầu nhỏ là hết sức đáng ngờ. Tuy nhiên, vừa qua, Bộ Y tế Mexico cho biết một phụ nữ ở nước này đã sinh con khỏe mạnh dù sản phụ này nhiễm virus Zika. Ngoài ra, có 2 trường hợp mang thai khác ở nước này cũng cho kết quả xét nghiệm thai nhi hoàn toàn bình thường. WHO đánh giá thế nào về việc này?

Ông Lokky Wai: Virus Zika hiện vẫn chưa được chứng minh là nguyên nhân gây ra chứng đầu nhỏ ở Brazil. Tuy nhiên, do có sự liên hệ về mặt thời gian và địa lý cũng như thiếu một giả thuyết khác thuyết phục hơn nên tạm thời virus Zika vẫn có khả năng cao là nguyên nhân gây chứng bệnh trên. Đối với việc này vẫn cần có thêm thời gian để điều tra và làm rõ.

Có thể sẽ mất thêm vài tháng nữa để chúng tôi có thể hoàn toàn hiểu được mối liên hệ giữa virus Zika và chứng đầu nhỏ. Tháng 12/2015, WHO đã kêu gọi các chuyên gia cùng đánh giá mối liên hệ tiềm tàng nói trên và WHO có kế hoạch tổ chức một cuộc họp vào tháng 3 tới để bàn về những nghiên cứu đang được tiến hành.

Xin ông cho biết về triển vọng nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa virus Zika?

Ông Lokky Wai: Hiện vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị căn bệnh do virus Zika gây ra.

Có ít nhất 12 nhóm trên thế giới đang nghiên cứu để tìm ra vaccine ngừa virus này. Tuy nhiên, tất cả đều đang ở trong giai đoạn phát triển, có nghĩa là có thể sẽ mất vài năm nữa loại vaccine này mới được cấp phép sử dụng.

Trong thời gian này, việc chẩn đoán bệnh do virus Zika là ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên hiện có khá ít các phương pháp chẩn đoán. Trong số những phương pháp hiện có, rất ít phương pháp trải qua các đánh giá theo quy định trước khi đi vào thực hiện. Đây là những đánh giá nhằm bảo đảm an toàn, hiệu quả và chất lượng của các phương pháp chẩn đoán - những ưu tiên hàng đầu trong ứng phó với dịch bệnh.

Trong một báo cáo mới đây, các nhà khoa học hoài nghi chính thuốc trừ sâu pyriproxyfen là thủ phạm gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh tại Brazil chứ không phải do virus Zika. Xin cho biết quan điểm của ông trước thông tin này?

Ông Lokky Wai: Không có bằng chứng cho thấy thuốc trừ sâu pyriproxygen là nguyên nhân gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Pyriproxygen là một chất điều tiết hooc-môn tăng trưởng và nó ức chế sự tăng trưởng của ấu trùng. Pyriproxygen đã được một số nước sử dụng trong nhiều năm.

Một nhóm các nhà khoa học của WHO gần đây đã xem xét các dữ liệu về độc tính của pyriproxygen - một trong 12 loại thuốc trừ sâu mà WHO giới thiệu để diệt muỗi. Họ không tìm thấy bằng chứng cho thấy thuốc trừ sâu ảnh hưởng đến quá trình mang thai hoặc sự phát triển của thai nhi. Các điều tra viên của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng có kết luận tương tự khi họ thực hiện một nghiên cứu khác về loại thuốc này.

Sắp tới, Viện nghiên cứu Peter Doherty (trực thuộc Đại học Melbourne, Australia) sẽ tiến hành thả thử nghiệm một chủng muỗi biến đổi "bội nhiễm" mới có khả năng chống lại bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika tại Việt Nam, Indonesia và Mỹ Latinh. Xin ông cho biết lý do Việt Nam được chọn là quốc gia thử nghiệm phương pháp mới này và tính khả thi của nó?

Ông Lokky Wai: WHO không tham gia việc nghiên cứu thử nghiệm này. Theo chúng tôi được biết, muỗi được gây nhiễm vi khuẩn Wolbachia và thả ra nhằm chống lại bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika.

Vi khuẩn Wolbachia được sử dụng để kiểm soát quần thể muỗi (khi muỗi đực và muỗi cái nhiễm vi khuẩn này thì trứng muỗi không nở được), nhưng không lây lan sang người hoặc động vật có vú. Vi khuẩn Wolbachia được tìm thấy trong 60% các loài côn trùng phổ biến, bao gồm bướm và ruồi giấm. Muỗi mang vi khuẩn Wolbachia được thả ở một số nước, trong đó có Australia, Brazil, Indonesia và Việt Nam để giúp kiểm soát bệnh sốt xuất huyết (bệnh được truyền bởi cùng loài muỗi truyền virus Zika).

Phúc Lâm (thực hiện)