Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, bà Elsbeth Akkerman cho rằng đây là một quy hoạch dài hạn, tổng hợp liên ngành với cơ sở pháp lý vững chắc hơn. Quy hoạch này cũng dựa trên một tiền đề cơ bản rằng nông nghiệp là ngành có lợi thế nhất trong khu vực ĐBSCL.
Tuy nhiên, nhiều khu vực đất đai có năng suất cao tại ĐBSCL ít được khai thác. Trong khi đó, những vùng đất này lại có khả năng thích hợp cho các loại cây trồng có giá trị cao hơn. Điều này cho thấy cần phải chuyển đổi từ thâm canh lúa sang các hình thức canh tác khác có giá trị cao hơn như nuôi trồng thủy sản, rau quả.
Dựa trên kinh nghiệm của Hà Lan, Đại sứ khuyến nghị một mặt ĐBSCL cần hướng đến sống hòa hợp với thiên nhiên và thích ứng với hoàn cảnh sinh thái, mặt khác cần lấy nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường làm nguyên tắc hàng đầu. Thách thức đối với ngành nông nghiệp là phải thích ứng với điều kiện khác nhau trên từng vùng sinh thái.
Bà Elsbeth Akkerman gợi ý khu vực ven biển là vùng nước mặn thích hợp để nuôi tôm, nuôi trồng thủy sản kết hợp và nuôi ngao, cua quảng canh. Ở vùng nước lợ xen kẽ, Việt Nam cần phát triển hệ thống canh tác lúa-tôm hoặc hệ thống canh tác rau-quả để tăng khả năng chịu mặn. Ở vùng đồng bằng thượng lưu, nới có sẵn nước ngọt thì phù hợp với nuôi trồng thủy sản, sản xuất hoa quả, lúa gạo.
Các công ty Hà Lan đang hợp tác với nông dân Việt Nam tại các khu vực này thực hiện nhiều mô hình canh tác mới, như nuôi tôm bền vững, nông nghiệp mặn và sản xuất trái cây.
Thêm vào đó, Việt Nam cần phát triển các hệ thống nông nghiệp theo hướng sản xuất bền vững phù hợp với môi trường tự nhiên và gia tăng giá trị cho nông sản. Khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng cho sự thay đổi.
Hiện nay, phía Hà Lan đang hỗ trợ Bộ NN&PTNT xây dựng chương trình chuyển đổi nông nghiệp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi này tại các tỉnh ĐBSCL cũng như làm việc với nhiều bên liên quan bao gồm khu vực tư nhân, khoa học, xã hội dân sự, các tổ chức quốc tế và các đối tác song phương trong việc lập chiến lược, xây dựng và thực hiện chính sách.
Đại sứ Hà Lan cho rằng Hà Lan và ĐBSCL đều là những vùng đồng bằng dễ bị tổn thương và nhạy cảm với các tác động của biến đổi khí hậu cũng như phải đối mặt với thách thức của quá trình chuyển đổi sinh kế và chuyển đổi nông nghiệp tại các vùng nông thôn.
Những kinh nghiệm của Hà Lan trong việc giải quyết những thách thức ở khu vực đồng bằng rất có ý nghĩa cho tầm nhìn và định hướng của Việt Nam với mục đích tăng khả năng chống chịu cho vùng ĐBSCL trong tương lai.
Trước đây, Việt Nam đã đề nghị phía Hà Lan hỗ trợ xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020. Quy hoạch này đã được phê duyệt vào năm 2013. Đây là cơ sở cho Ngân hàng Thế giới phê duyệt khoản vay 300 triệu USD dành cho Việt Nam và là tiền đề cho Nghị quyết 120/NQ-CP 2017 của Chính phủ về việc phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Năm nay, Việt Nam đã đạt được một bước tiến quan trọng khi thông qua việc phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các chuyên gia tư vấn Hà Lan cũng tham gia vào quá trình phát triển Quy hoạch này.
Ngoài ra, phía Hà Lan cũng hỗ trợ các nghiên cứu và dự án quan trọng khác góp phần thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch này như giảm sử dụng nước ngầmvà khai thác cát; nuôi trồng thủy sản tại các khu vực trữ nước ở vùng cao, thí điểm thẩm thấu cho các khu vực xử lý hạn và ngập mặn.
Trước đó, vào năm 2019, Thủ tướng hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác chuyển đổi nông nghiệp tại ĐBSCL với trọng tâm hỗ trợ Bộ NN&PTNT xây dựng cơ chế điều phối mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi từ trồng lúa sang cây trồng có giá trị cao như nuôi trồng thủy sản và cây ăn trái.
Cho đến nay, Hà Lan đã đầu tư hơn 50 triệu USD cho các dự án tăng cường tri thức, hỗ trợ đầu tư và hợp tác công tư chủ yếu trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, nông nghiệp và nước, nuôi trồng thủy sản bền vững, rừng ngập mặn, nông nghiệp mặn và nhiệt đới trái cây. Ngoài ra, khu vực tư nhân Hà Lan đã đầu tư đáng kể vào sự phát triển bền vững của ĐBSCL.
Hà Lan, với tư cách đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước và đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra trong Quy hoạch.
Theo đó, Hà Lan sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi hệ thống nông nghiệp bằng việc phát triển các chuỗi giá trị bền vững trong nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp mặn, rau quả và chăn nuôi bền vững.
Theo bà Elsbeth Akkerman, Việt Nam cần thiết lập các đầu mối cung ứng nông sản để thu gom và tập hợp các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản tại địa phương, gia tăng giá trị thông qua phát triển các trung tâm chế biến đặt ngay tại chỗ.
Lý tưởng nhất là các trung tâm này được kết hợp với các ngành dịch vụ và các ngành công nghiệp khác. Với kinh nghiệm về thiết kế và phát triển các trung tâm kinh doanh nông sản, Hà Lan cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Đối với việc phát triển dịch vụ hậu cần và vận tải, điều quan trọng là phải đưa các sản phẩm có giá trị cao đến các thị trường chính và các cảng biển một cách hiệu quả, an toàn. Hà Lan mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển cảng biển, chuỗi trữ lạnh, năng lực lưu kho cũng như đường thủy nội địa.
Ngoài ra, công tác quản lý nước vẫn là lĩnh vực cốt lõi trong hợp tác giữa hai nước nhằm bảo vệ các vùng nước ngọt quan trọng và khu vực ven biển, cải thiện chất lượng nước (nhất là liên quan đến nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản), nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai, Đại sứ Hà Lan nhấn mạnh.
Thùy Dung