Sáng 25/8/2011, tại Thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk, Đại Sứ quán Hoa Kỳ phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức hội thảo: “ Công nghệ sinh học: Hướng phát triển cho tương lai”. Tham dự hội thảo có bà Jeanni Bailey – Tham tán nông nghiệp, Đại Sứ quán Hoa kỳ tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN & PTNT cùng đại diện các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Ngày nay, do tác động của biến đổi khí hậu nên vấn đề an ninh lương thực được nhiều quốc gia trên thế giới rất quan tâm. Nếu những chính sách và biện pháp thích nghi với biến đổi khí hậu chưa phát huy tác dụng thì an ninh lương thực vẫn sẽ là một vấn đề nan giải của nhiều quốc gia cho đến năm 2050. Sự thích nghi của nông nghiệp với biến đổi khí hậu đóng vai trò thiết yếu không những trong quá trình thực hiện mục tiêu an ninh lương thực, an ninh về nguồn nước mà thậm chí cả mục tiêu an ninh năng lượng, qua đó đảm bảo ổn định xã hội và phát triển bền vững.
Trên cơ sở những thông điệp đó, nhiều nhà khoa học đã báo cáo, chia sẻ nhiều đề tài, công trình nghiên cứu về công nghệ sinh học như báo cáo “ Công nghệ sinh học - Một phần của giải pháp cho biến đổi khí hậu và an ninh lương thực” của Tiến sĩ Andrew Powell- Tổng giám đốc Asia Bio Business Pte. Ltd; đề tài “ Tiềm năng và ứng dụng công nghệ sinh học tại Đắk Lắk” của PGS.TS. Nguyễn Anh Dũng – Phó chủ tịch hội sinh học Đắk Lắk, giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học, trường Đại học Tây Nguyên…
Trong giai đoạn 1996 – 2009, nền kinh tế thế giới thu lợi gần 65 tỉ USD từ việc canh tác có ứng dụng công nghệ sinh học ở các trang trại, trong đó 44 % do giảm thiểu chi phí sản xuất, 56 % do tăng năng suất.
Bà Jeanni Bailey – Tham tán nông nghiệp, Đại Sứ quán Hoa kỳ tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, Đắk Lắk là một tỉnh có tiềm năng phát triển nông lâm nghiệp, khí hậu ôn hóa nên việc ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ chuyển đổi gene có thể tạo ra nhiều hiệu quả tích cực, nhằm tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đắk Lắk có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển một số cây trồng chuyển đổi gene như ngô, đậu nành, bông…các gene cần chuyển đổi vào cây trồng chủ yếu là các gene kháng sâu, gene kháng hạn hán, gene kháng thuốc diệt cỏ…
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ sinh học, chuyển đổi gene vào cây trồng cũng gặp một số thách thức không nhỏ như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, trình độ dân trí còn thấp nên hạn chế việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nông dân ít vốn trong khi giá giống cây chuyển đổi gene tương đối cao.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai trồng khảo nghiệm giống ngô biến đổi gene tại 3 địa điểm là Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, công ty cà phê Thắng Lợi huyện Krông Pak và xã Cuoknia huyện Buôn Đôn.
Để việc ứng dụng công nghệ sinh học trở thành một giải pháp, một hướng đi mới cho tương lai, các nhà khoa học cũng đưa ra những giải pháp như cần có dự án thu thập và bảo tồn nguồn gene đối với hệ sinh thái, có chính sách hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật, vốn và cây giống.