In bài viết

Đắk Lắk: Nhân rộng mô hình xử lý môi trường bằng hầm biogas

Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Krông Bông đóng trên địa bàn huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đã xây dựng các hầm biogas, không những xử lý tốt môi trường mà còn tiết kiệm chi phí mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

18/04/2011 15:19
Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Krông Bông có công suất 60 tấn sản phẩm/ngày. Trước đây, khi bước vào vụ sản xuất, mỗi ngày nhà máy thải ra môi trường hàng chục tấn nước thải, phế phụ phẩm khác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho cả khu vực dân cư xã Hòa Thành. Khắc phục tình trạng này, sau khi nghiên cứu, nhà máy đã đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống hầm biogas để thu gom toàn bộ nước thải, chất thải phục vụ sản xuất khí gas. Nhà máy cũng lắp đặt các thiết bị để tận dụng, chuyển hệ thống khí gas này sang đốt lò sấy tinh bột sắn, điện thắp sáng thay cho việc sử dụng dầu diesel, điện lưới quốc gia như trước đây, mỗi tháng tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng. Qua kiểm tra của các đơn vị chức năng, hệ thống nước thải của nhà máy được qua nhiều bể lắng lọc nên không còn mùi hôi thối (đạt chất lượng nước loại B theo TCVN) đưa vào phục vụ thâm canh cây trồng, nuôi cá.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay vẫn còn hai nhà máy chế biến tinh bột sắn Quán Quân (huyện Cư M’Gar), Thành Vũ (huyện Ea H’Leo) có công suất từ 80 đến 100 tấn sản phẩm/ngày đang “vô tư” cho nước thải chưa qua xử lý ra ao hồ, suối tự nhiên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cần sớm nhân rộng mô hình xử lý ô nhiễm môi trường bằng hầm biogas với vốn đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội khá cao.
Quang Huy