Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk trong những ngày này đang quá tải bởi dịch sốt xuất huyết, lượng bệnh nhân tăng ồ ạt. Khoa Truyền nhiễm có 35 giường bệnh, nhưng từ đầu tháng 7 đến nay, lúc nào cũng có trên 100 bệnh nhân điều trị nội trú, cao điểm có ngày lên tới 195 bệnh nhân, trong đó hầu hết đều là bệnh nhân mắc SXH…
Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Doãn Hữu Long cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo phân tuyến điều trị ở tất cả các tuyến, đối tượng bệnh nhân nhẹ sẽ được hướng dẫn tự điều trị tại nhà. Đối với bệnh nhân nặng hơn thì điều trị ở các tuyến trên tùy theo mức độ bệnh; Sở Y tế cũng đã đưa ra rất nhiều các phương án để phòng chống SXH, tuy nhiên trước diễn biến bất thường của thời tiết, dự báo SXH sẽ còn diễn biến phức tạp.
Hiện nay thời tiết mưa nắng bất thường tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển mạnh. Bên cạnh đó, khó khăn trong công tác phòng bệnh SXH hiện nay trên địa bàn là cần phải có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của người dân và sự giám sát chặt chẽ của chính quyền. Bởi, thực tế người dân đã biết về sự nguy hiểm của bệnh cũng như tác nhân gây bệnh là muỗi, nhưng ngay trong khuôn viên nhà ở của họ vẫn có nhiều lu, chậu chứa nước có bọ gậy, vẫn còn hộ gia đình và cá nhân lơ là, chủ quan chưa tự giác diệt muỗi, loăng quăng tại hộ gia đình và cộng đồng.
Các đội tuyên truyền cũng đã đến tận nơi hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng bọ gậy.
Sở Y tế cũng đang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn tổ chức các đội xung kích đi xuống tận khu dân cư để tuyên truyền và hướng dẫn bà con gìn giữ vệ sinh môi trường để phòng chống SXH và các bệnh truyền nhiễm khác.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng vừa bổ sung 1 tỷ đồng cho công tác phòng chống bệnh SXH trong 5 tháng cuối năm 2016 với mục tiêu khống chế và kiểm soát bệnh, không để xảy ra dịch lớn trên địa bàn, giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do SXH.
Minh Hồng