Cụ thể, trung tâm đã hỗ trợ 280 triệu đồng cho Công ty TNHH công thương miền Đông (Cụm công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar) xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến nông sản với quy mô 250 tấn sản phẩm/năm; hỗ trợ 90 triệu đồng cho DNTN thương mại và dịch vụ Thuận Phát xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến cà phê chè bằng công nghệ ướt với quy mô 900 tấn quả tươi/năm; hỗ trợ 100 triệu đồng cho Công ty TNHH Khải Việt trình diễn mô hình kỹ thuật sản xuất hương xuất khẩu với quy mô 375 tấn sản phẩm/năm… Bên cạnh đó, trung tâm cũng đã hỗ trợ 60 triệu đồng cho Công ty TNHH Thành Nghĩa (huyện Krông Ana) ứng dụng máy móc thiết bị mới vào dây chuyền sản xuất bê tông tươi với công suất 7.600m 3 /năm…
Ngoài ra, công tác truyền nghề, nhân cấy nghề nhằm tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân cũng là một trong những nội dung ưu tiên thực hiện của khuyến công Đắk Lắk. Năm vừa qua, trung tâm đã dành 80 triệu đồng thực hiện đề án hỗ trợ dụng cụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu gỗ và khảm trai cho 24 lao động nông thôn tại xã Cư Ni và thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar)…
Đáng lưu ý là những đề án khuyến công được triển khai đều thu được những hiệu quả rất tích cực, năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm của DN tăng đáng kể, lao động học nghề có việc làm, thu nhập ổn định và đặc biệt 1 nguồn vốn khuyến công đã được thu hút 3 nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất của DN. Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo Trung tâm Khuyến công Đắk Lắk, hiện hoạt động khuyến công của tỉnh đang gặp không ít khó khăn nhất là vấn đề khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư mở rộng sản xuất. Nguyên nhân là bởi hiện nay các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn gặp nhiều khó khăn về nguồn lao động, nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, thị trường tiêu thụ, lãi suất ngân hàng… Trong khi đó nguồn ngân sách cho hoạt động khuyến công còn hạn chế, phần kinh phí hỗ trợ không hoàn lại cho từng đề án chiếm tỷ trọng nhỏ trên tổng mức đối ứng nên không hấp dẫn được DN. Bên cạnh đó, việc du nhập, phát triển nghề mới cũng còn hạn chế, công tác truyền nghề còn gặp nhiều khó khăn…
Để khắc phục những khó khăn này đồng thời tạo thêm nguồn lực cho hoạt động khuyến công tỉnh, sang năm 2012, Đắk Lắk dự kiến sẽ tăng gấp đôi nguồn kinh phí cho hoạt động khuyến công, khoảng 2,8 tỷ đồng và tập trung thực hiện các nội dung: đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp, hỗ trợ đầu tư máy móc… Ngoài ra, hoạt động khuyến công tỉnh cũng triển khai các hoạt động bảo tồn, phát huy các nghề truyền thống, phát triển nghề gắn với DN, cơ sở sản xuất, vùng nguyên liệu tại chỗ, tạo việc làm bền vững, đảm bảo sau khi đào tạo lao động học nghề sẽ có việc làm ngay tại DN… Đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tại các hội chợ, triển lãm nhằm giúp DN mở rộng cơ hội giao thương, tìm kiếm bạn hàng…
File dính kèm