Ngành chức năng huyện Đắk R’lấp lập chốt kiểm soát nhằm ngăn chặn bệnh lây lan. Ảnh: Báo Đắk Nông |
Báo Đắk Nông đưa tin tại xã Đắk Wer (Đắk R’lấp), ngày 30/6, một cháu sinh năm 2003 có kết quả dương tính với bệnh bạch hầu sau khi xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyễn; đến ngày 5/7, một cháu sinh năm 2013 nhập viện với triệu chứng sốt, ho, đau họng… nghi bạch hầu.
Như vậy, với 2 ca nhiễm mới phát hiện, đến ngày 6/7, Đắk Nông đã có tổng cộng 25 trường hợp nhiễm bạch hầu, trong đó có 2 ca tử vong (1 ca vào ngày 19/6 và 1 ca vào ngày 3/7).
Hiện tại, cùng với lập các điểm chốt chặn, khoanh vùng, cách ly toàn bộ các hộ gia đình tại ổ bệnh, ngành tế tỉnh tổ chức khử khuẩn, khám sàng lọc, điều trị dự phòng bằng kháng sinh và tiêm vaccine phòng, chống bạch hầu tại các ổ dịch và các khu vực lân cận.
Còn tại Gia Lai, sau khi dịch bạch hầu được phát hiện ở làng Bông Hiot (xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa) với 10 ca, trong đó 1 ca tử vong (ngày 5/7), các cán bộ, nhân viên y tế đã phun hóa chất khử khuẩn Cloramin B toàn bộ khu vực xã, nhà dân. Hàng chục y bác sĩ tổ chức cấp phát thuốc kháng sinh dự phòng Erythromycin, khám sàng lọc, tiêm dự phòng vaccine phòng bệnh cho người dân.
Qua thăm khám, ngành y tế phát hiện thêm 20 trường hợp ở xã Hải Yang có triệu chứng sốt, ho, đau họng. Tất cả đã được lấy mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm, đồng thời chuyển đến bệnh viện để điều trị, cách ly theo quy định.
Theo Báo Gia Lai, ngày 6/7, UBND huyện Đắk Đoa thống nhất chủ trương cho toàn bộ học sinh tại xã Hải Yang - nơi phát hiện 10 ca bệnh bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong - nghỉ học 1 tuần, bắt đầu từ ngày 6/7 để phòng chống bệnh.
Cùng ngày, UBND tỉnh Gia Lai ban hành công văn chỉ đạo tập trung phòng - chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng - chống dịch bạch hầu xảy ra tại làng Bông Hiot (xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa); khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch không để dịch bệnh lây ra ngoài địa bàn. Đồng thời, báo cáo Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để tranh thủ sự chỉ đạo và hỗ trợ về chuyên môn, vật tư, hóa chất... phục vụ công tác phòng - chống dịch.
Các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường khám, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh bạch hầu, cách ly kịp thời các trường hợp mắc; chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, nhân lực, phương tiện, vật tư, thuốc, điều trị bệnh.
Hệ thống y tế triển khai tốt công tác tiêm chủng thường xuyên cho trẻ đạt tỷ lệ trên 95% theo quy mô cấp xã, đồng thời tiêm vét, tiêm bổ sung vaccine 5 trong 1 hoặc vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván cho trẻ em dưới 48 tháng tuổi trên địa bàn toàn tỉnh…
Thanh Xuân