In bài viết

Đảm bảo công tác thú y giúp thị trường chăn nuôi khởi sắc

(Chinhphu.vn) - Năm 2024, ngành thú y kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, giảm 23,8% ổ dịch cúm gia cầm, giúp chăn nuôi tăng trưởng 5,5%, đảm bảo nguồn cung thực phẩm, thúc đẩy xuất khẩu.

03/01/2025 16:48
Đảm bảo công tác thú y giúp thị trường chăn nuôi khởi sắc- Ảnh 1.

Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 hướng đến mục tiêu giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi được xác định đạt từ 1 - 1,5 tỷ USD - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

 

Xây dựng 3.750 vùng an toàn dịch bệnh

Ông Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong năm 2024, ngành thú y đã kiểm soát hiệu quả nhiều dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên phạm vi cả nước. Cụ thể, số ổ dịch cúm gia cầm giảm 23,8% và dịch tai xanh giảm tới 60%. Nhờ đó, ngành chăn nuôi đạt mức tăng trưởng 5,2 - 5,5%, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.

Về công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, cả nước hiện có 3.750 cơ sở, vùng chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận tại 60 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 1.269 cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia cầm, 2.430 cơ sở trên gia súc và 51 vùng an toàn dịch bệnh dại.

Đối với thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 22.490ha, giảm 11,3% so với năm 2023; ngoài ra có khoảng 4.993 lồng, bè, vèo, bể nuôi có thủy sản bị thiệt hại. Các bệnh nguy hiểm như gan thận mủ, xuất huyết và ký sinh trùng trên cá tra và tôm nuôi được kiểm soát tốt hơn, góp phần ổn định sản xuất.

Tuy nhiên, việc sử dụng vacxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm còn gặp khó khăn do công tác tuyên truyền hạn chế và giá vacxin cao, vượt khả năng chi trả của người chăn nuôi nhỏ lẻ. Một số loại vacxin quan trọng chưa được đưa vào chương trình quốc gia, gây khó khăn cho các địa phương trong triển khai tiêm phòng.

Ông Minh nhấn mạnh, với sự quyết liệt của toàn ngành thú y, hiện đã triển khai nhiều biện pháp giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, chế biến. Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm được thực hiện nghiêm ngặt. Hiện nay, cả nước có 440 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 24.858 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trong năm 2024, đã thành lập 9 đoàn công tác kiểm tra công tác quản lý cơ sở giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y tại 17 tỉnh, thành phố; tổ chức 2 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 80 cán bộ làm công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú ý và an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, ngành cũng thực hiện giám sát chất cấm Salbutamol tồn dư trong nước tiểu gia súc và sản phẩm động vật tại cơ sở giết mổ. Tính đến thời điểm hiện tại, đã triển khai lấy 368 mẫu thịt và thức ăn chăn nuôi và không phát hiện chất cấm Salbutamol.

Đảm bảo công tác thú y giúp thị trường chăn nuôi khởi sắc- Ảnh 2.

Việt Nam có các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu vào nhiều thị trường đã khẳng định chất lượng sản phẩm Việt Nam có đủ điều kiện để chinh phục các thị trường khắt khe - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thị trường các sản phẩm chăn nuôi rộng mở

Tại Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 hướng đến mục tiêu giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi được xác định đạt từ 1 - 1,5 tỷ USD vào năm 2025 và từ 3 - 4 tỷ USD vào năm 2030.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chung tay cùng địa phương xây dựng các vùng chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh; hình thành chuỗi chăn nuôi gắn với chế biến bằng công nghệ hiện đại như Masan, C.P. Việt Nam, Japfa, De Heus...

Ngoài ra, sau một thời gian thâm nhập thị trường quốc tế, chinh phục các thị trường khắt khe nhất thế giới, mật ong Việt Nam đã trở thành thương hiệu toàn cầu. Năm 2023, FAO đã đưa mật ong Việt Nam vào danh mục sản phẩm OCOP (one country one product) của thế giới.

Bên cạnh đó, sau thời gian dài mở cửa thị trường, đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp phép cho 11 nhà máy của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhờ đó, sản lượng sữa và sản phẩm sữa xuất khẩu sang Trung Quốc liên tục tăng trưởng.

Đồng thời, sau khi ký kết Nghị định thư xuất khẩu tổ yến và sản phẩm tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc đã có 9 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép cho xuất khẩu sản phẩm vào thị trường này. Thịt gà chế biến cũng được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), 5 nước thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu và Mông Cổ.

Ngoài những mặt hàng đã và đang xuất khẩu, hiện nay Bộ NN&PTNT đang tích cực đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của một số quốc gia để thúc đẩy việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam như: Đàm phán với Hàn Quốc về điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt gia cầm (Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất điều kiện về ATDB đối với sản phẩm thịt gia cầm xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc); đàm phán với Nhật Bản về điều kiện, thủ tục để xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa sang thị trường này; tiếp tục đàm phán tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất được phép xuất khẩu sang các thị trường đã được mở cửa…

Việc Việt Nam có các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu vào nhiều thị trường đã khẳng định chất lượng sản phẩm Việt Nam có đủ điều kiện để chinh phục các thị trường khắt khe, khó tính trên toàn thế giới. Việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai mở những thị trường mới còn nhiều dư địa như thị trường Halal được coi là chìa khóa đẩy mạnh xuất khẩu nói chung, sản phẩm chăn nuôi nói riêng.

Đỗ Hương