In bài viết

Đảm bảo kịp thời, chủ động trong chi ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp công trình

(Chinhphu.vn) - Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có; lập, phân bổ dự toán, quản lý, thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước.

27/03/2023 15:55
Đảm bảo kịp thời, chủ động trong chi ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp công trình - Ảnh 1.

Cải tạo, nâng cấp các trường học; các công trình y tế cấp bách...

Bộ Tài chính cho biết, qua phản ánh của cử tri, Đại biểu Quốc hội và các địa phương, thực tế hàng năm phát sinh nhiều trường hợp các tài sản công có nhu cầu cấp bách, cấp thiết phải xây dựng mới các hạng mục, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng để phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng, khắc phục tình trạng xuống cấp, nhưng chưa được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong khi quy mô yêu cầu về vốn nhỏ cần làm ngay, có thể sử dụng, cân đối nguồn trong dự toán chi thường xuyên để thực hiện.

Cụ thể, các công việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có luôn phát sinh thường xuyên hoặc phát sinh đột xuất và có quy mô kinh phí nhỏ, một số nội dung chi có tính cấp bách, khó kế hoạch hoá nên chưa được đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn. Vì vậy, việc chỉ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện các dự án quy mô nhỏ là khó khả thi do phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Hiện nay, đối với các nhu cầu phát sinh ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ phải báo cáo Quốc hội thực hiện bổ sung vốn đầu tư công hoặc trình các cấp có thẩm quyền thay đổi danh mục đầu tư công (theo quy định của pháp luật về đầu tư công, việc thay đổi danh mục đầu tư công phải qua nhiều bước, thời gian tối thiểu khoảng 2 tháng; tuy nhiên thực tế, việc điều chỉnh danh mục đầu tư công thực hiện theo từng đợt nên thường phải hết khoảng 6 tháng). Như vậy, sẽ không đáp ứng được nhu cầu thực hiện các dự án có giá trị không lớn để xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, công trình; ảnh hướng trực tiếp đến hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị (xây tường rào bảo vệ, hệ thống phòng cháy chữa cháy,...) hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến người dân trong việc sử dụng dịch vụ công của nhà nước (như việc cải tạo tại các trường học; các công trình y tế,...). Trong khi đó có thể sử dụng, cân đối nguồn từ dự toán chi thường xuyên để đáp ứng được ngay nhu cầu thực hiện các dự án có quy mô nhỏ này.

Để khắc phục tình trạng trên, cần nghiên cứu sửa đổi các quy định có liên quan tại Luật ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng để bảo đảm đồng bộ giữa các quy định của các Luật này. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian và gắn với nghiên cứu sửa đổi thêm các nội dung khác đã và đang phát sinh.

Thực hiện ý kiến của lãnh đạo, thành viên Chính phủ trả lời đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 và Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, việc xem xét, đề xuất giải pháp để các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương có cơ chế bên cạnh vốn đầu tư công, cho phép được sử dụng nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các công trình đã có (chưa nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn) nhằm bảo đảm tính kịp thời, linh hoạt và tính chủ động trong điều hành chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách địa phương, là hết sức cần thiết.

Do đây là quy định khác với quy định hiện hành của Luật Đầu tư công, vì vậy Bộ Tài chính dự thảo nội dung trình Chính phủ trình Quốc hội quyết nghị về cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để xây dựng mới các hạng mục công trình trong các cơ sở, công trình đã có, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, công trình tổng mức kinh phí dưới 15 tỷ đồng; việc quản lý, thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước áp dụng như quy định đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Bảo đảm kịp thời, linh hoạt trong chi ngân sách để cải tạo công trình cấp bách

Việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết nhằm đáp ứng mục tiêu đảm bảo tính kịp thời, linh hoạt và tính chủ động trong điều hành chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách địa phương để xây dựng mới, cải tạo, mở rộng cơ sở vật chất, công trình phát sinh thường xuyên, hoặc phát sinh đột xuất, cấp bách nhưng có giá trị không lớn; tăng cường công tác quản lý, thanh toán, quyết toán dự án bảo đảm chặt chẽ.

Nghị quyết của Quốc hội về việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước thực hiện các dự án dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có được xây dựng trên các quan điểm chỉ đạo sau đây:

Bảo đảm chặt chẽ trong quản lý, thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước.

Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật liên quan, bao gồm: Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công, Luật xây dựng.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Khánh Linh