In bài viết

Đảm bảo lợi ích của người lao động và ngành xuất khẩu Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Làm việc với các đối tác Hoa Kỳ, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ xây dựng cơ chế thực thi luật một cách khách quan, công bằng, đảm bảo lợi ích của người lao động Việt Nam và lợi ích chính đáng của ngành xuất khẩu Việt Nam, không tạo ra rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là dệt may.

13/05/2022 22:54
Đảm bảo lợi ích của người lao động và ngành xuất khẩu Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp bà Bridget McGovern, Trợ lý Bộ trưởng phụ trách Thương mại và An ninh kinh tế, Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ và đại diện Lãnh đạo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 12/5, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự nhiều hoạt động, trong đó có các cuộc làm việc với đối tác chính của của Bộ Công Thương như Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), Cơ quan Tài chính phát triển Hoa Kỳ (DFC), gặp gỡ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đồng thời có các cuộc làm việc song phương quan trọng với Lãnh đạo Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ (DHS) và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP), Lãnh đạo Tập đoàn bán lẻ Walmart.

Tại cuộc dự tiếp Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) Katherine Tai, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và là động lực mạnh mẽ trong thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước. Từ khi hai nước thống nhất được bản Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững vào tháng 11 năm 2019, nhiều vấn đề phức tạp trong quan hệ kinh tế-thương mại song phương đã từng bước đạt kết quả tích cực, đem lại lợi ích quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Về phần mình, Trưởng USTR Katherine Tai đánh giá cao các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong Kế hoạch hành động cũng như hoạt động hiệu quả của các nhóm làm việc về vấn đề gỗ và tiền tệ; bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ kinh tế-thương mại, đầu tư và tài chính song phương thời gian tới, đóng góp vào việc tăng cường quan hệ tổng thể giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trong tiến trình đó, Bộ Công Thương, với vai trò Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ (TIFA) đã chủ trì, điều phối, thúc đẩy hoạt động đối thoại chính sách thông qua cơ chế của Hội đồng TIFA ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, giúp tháo gỡ nhiều vấn đề phức tạp trong quan hệ thương mại song phương, đặc biệt là các vụ việc Hoa Kỳ khởi xướng điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 thời gian gần đây.

Trong cuộc gặp Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, bà Bridget McGovern, Trợ lý Bộ trưởng phụ trách Thương mại và An ninh kinh tế, Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ (DHS) và đại diện Lãnh đạo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để đảm bảo sự ổn định cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam phải nghiên cứu kỹ và tuyệt đối tuân thủ quy định đối với hàng hóa nhập khẩu của Hoa Kỳ, nhất là những yêu cầu liên quan đến nguồn gốc xuất xứ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam nói chung, Bộ Công Thương Việt Nam nói riêng mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại với phía Hoa Kỳ, đặc biệt đối với ngành dệt may, vì đây là ngành liên quan mật thiết tới vấn đề an sinh xã hội, sử dụng hàng triệu lao động tại Việt Nam.

Liên quan đến các quy định về xuất xứ hàng hóa, Bộ trưởng đề nghị DHS, CBP và các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ xây dựng cơ chế thực thi luật một cách khách quan, công bằng, đảm bảo lợi ích của người lao động Việt Nam và lợi ích chính đáng của ngành xuất khẩu Việt Nam, không tạo ra rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là dệt may.

Về phần mình, bà Bridget McGovern chia sẻ nhận định của Bộ trưởng về tiềm năng trong quan hệ hai nước, đồng thời đánh giá cao việc nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng của Việt Nam đã chủ động cung cấp thông tin về nguồn gốc hàng hóa thời gian vừa qua; đồng thời cam kết Hoa Kỳ sẽ thực thi, triển khai các quy định một cách minh bạch và có tính dự báo, đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ khi được yêu cầu.

Đại diện của CBP cũng cho biết, trong thời gian tới, CBP sẽ cử cố vấn tới làm việc dài hạn tại Việt Nam, đồng thời khẳng định sẵn sàng trao đổi và hướng dẫn cho doanh nghiệp về các quy định pháp luật có liên quan.

Đảm bảo lợi ích của người lao động và ngành xuất khẩu Việt Nam - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và ông Paul Dyck, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ Chính phủ toàn cầu, Tập đoàn bán lẻ Walmart trong cuộc làm việc tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại cuộc làm việc với Tập đoàn bán lẻ Walmart, ông Paul Dyck, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ Chính phủ toàn cầu cho biết, hiện Walmart đã đầu tư hệ thống phân phối, bán lẻ trực tiếp tại 24 quốc gia, có các hoạt động trao đổi thương mại, thu mua hàng hóa với hơn 100 quốc gia khác, trong đó Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống của Walmart, tập trung cung ứng các mặt hàng dệt may, đồ gia dụng, điện tử và thực phẩm chế biến sẵn…

Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, các cuộc xung đột thương mại, địa chính trị toàn cầu đã khiến rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu về việc tăng cường sự ổn định và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Tập đoàn. Đây cũng chính là vấn đề Walmart mong muốn sự hỗ trợ của Bộ Công Thương.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ và đánh giá cao chiến lược đảm bảo nguồn cung của Tập đoàn Walmart, đồng thời cảm ơn Walmart đã lựa chọn Việt Nam là đối tác lâu dài. Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới, Walmart cần tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương trong đào tạo, nâng cao năng lực doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hiểu rõ yêu cầu của thị trường, nắm bắt được nhu cầu các loại hàng hóa, sản phẩm và chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất và xuất khẩu…; mở rộng danh mục thu mua hàng hóa; xây dựng hệ cơ sở dữ liệu có tính kết nối, giúp cung cấp thông tin nhiều chiều cho doanh nghiệp.

Đảm bảo lợi ích của người lao động và ngành xuất khẩu Việt Nam - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ và đánh giá cao chiến lược đảm bảo nguồn cung của Tập đoàn Walmart, đồng thời cảm ơn Walmart đã lựa chọn Việt Nam là đối tác lâu dài - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đồng thời, giúp kết nối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ có năng lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, chế biến… nhằm xây dựng nguồn cung nguyên vật liệu ổn định; tận dụng tốt các Hiệp định Thương mại tự do hiện Việt Nam là thành viên để giúp đưa hàng hóa Việt Nam vào hệ thống bán lẻ của Tập đoàn vào các thị trường trên thế giới.

Cảm ơn chỉ đạo định hướng của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Phó Chủ tịch Paul Dyck cho biết, trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ chỉ đạo Văn phòng đại diện tại Việt Nam tăng cường hợp tác với Bộ Công Thương, gửi các đoàn công tác, các nhóm thu mua hàng hóa vào Việt Nam để gia tăng lượng nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc Việt Nam của Tập đoàn. 

Hà Văn