Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 5 năm Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010 - Ảnh: VGP/Từ Lương |
Sáng 7/9, Hội nghị tổng kết 5 năm Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 63 tỉnh, TP trên toàn quốc. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng xã hội học tập, đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Kết quả đạt được chưa đồng đều
Từ năm 2005 đến 2010, Đề án xây dựng xã hội học tập đã đạt được những thành tựu ban đầu khá quan trọng ở một số chỉ tiêu cơ bản. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX), trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) phát triển nhanh, mạnh, vượt chỉ tiêu của Đề án. Hàng trăm ngàn lượt người ở các độ tuổi được xóa mù chữ và giáo dục tiếp sau khi biết chữ; hàng trăm ngàn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được huy động vào học các chương trình phổ cập; hàng trăm ngàn cán bộ cấp xã, cấp huyện được bồi dưỡng cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế, xã hội để nâng cao năng lực công tác.
Tuy nhiên, đối chiếu với mục tiêu ban đầu của Đề án, từ năm 2005 đến hết năm 2010, có nhiều chỉ tiêu chưa đạt được, một số chỉ tiêu đã đạt được nhưng chất lượng vẫn còn thấp.
Ví dụ, tỷ lệ huy động trẻ em ở độ tuổi 6-10 và 11-14 có hoàn cảnh khó khăn không đi học ở nhà trường phổ thông, theo học chương trình phổ cập giáo dục còn rất thấp so với mục tiêu của Đề án. Điều đáng quan tâm là tỷ lệ huy động có xu hướng giảm dần qua các năm, đặc biệt với nhóm trẻ từ 6-10 tuổi, giảm liên tục từ năm 2006 đến năm 2010 và luôn thấp hơn so với nhóm trẻ độ tuổi 11-14.
Nhiệm vụ xóa mù chữ và nâng cao tỷ lệ người biết chữ ở các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Đà nẵng, TP Hồ Chí Minh, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình đạt rất cao, nhưng vẫn còn một số địa phương có tỷ lệ người mù chữ khá cao, đặc biệt là số người mù chữ trong độ tuổi đi học, như: Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Gia Lai, Ninh Thuận, Kon Tum.
Một số địa phương đã thu hút được hàng triệu lượt người tham gia học tập tại các trung tâm GDTX, HTCĐ là: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình và Hà Nam. Nhưng lại có một số tỉnh có số người được học tập, bồi dưỡng hàng năm quá ít: Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắc Nông, Quảng Ngãi, TP Đà Nẵng, Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn, Yên Bái.
Nhận diện những khó khăn, bất cập
Sau 5 năm thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập, nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện đã dần bộc lộ và cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, từ cách tiếp cận để xác định mục tiêu, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp đến tổ chức thực hiện.
Cụ thể, nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể và người dân ở một số địa phương về mục đích, ý nghĩa, tác dụng và ích lợi của việc xây dựng xã hội học tập còn hạn chế, công tác tuyên truyền chưa được quan tâm. Vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Đề án còn thiếu chặt chẽ. Năng lực và hiệu quả hoạt động của các trung tâm GDTX, HTCĐ thấp do đầu tư các điều kiện cần thiết để triển khai Đề án chưa thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu để thực hiện các mục tiêu xây dựng xã hội học tập.
Đội ngũ cán bộ đầu mối về xây dựng xã hội học tập của các bộ, ngành còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu phối hợp hoạt động trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Công tác đào tạo từ xa còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa tạo được niềm tin và động lực thúc đẩy học tập với người học. Hệ thống thông tin hỗ trợ và cung ứng tư liệu, học tập, tài liệu tham khảo cho học tập, nghiên cứu chưa được quan tâm thích đáng.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng xã hội học tập dự thảo Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020.
Ảnh: VGP/Từ Lương |
Đẩy mạnh hoạt động của trung tâm HTCĐ
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh trong điều kiện nguồn kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều thiếu thốn, những thành tựu của việc thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010 là rất đáng kể.
Đề án đã góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí, nâng cao năng lực làm việc cho người lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiều mô hình giáo dục đa dạng đã được hình thành tại khắp các địa bàn, các cấp cơ sở, đặc biệt là các trung tâm HTCĐ có vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng như cầu học tập của người dân ở các thôn, xã.
Phó Thủ tướng cho rằng từ thực tế tại nhiều địa phương như Đồng Nai, Hà Giang... cho thấy các trung tâm HTCĐ cần có mối quan hệ chặt chẽ với các trung tâm GDTX, các phòng, ban chức năng của huyện như: phòng nông nghiệp, phòng y tế... thì sẽ phát huy hiệu quả cao trong việc chuyển giao kỹ thuật, kiến thức mới, thiết thực tới người dân. Trung tâm HTCĐ ở cấp xã phải có sự liên kết với các trung tâm văn hóa hướng nghiệp, trung tâm đào tạo từ xa... Các Bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương cần phải thể chế hóa mối quan hệ này bằng các quy định cụ thể của nhà nước, làm rõ nét hơn vai trò của các cấp chính quyền và của ngành giáo dục đối với việc duy trì và thúc đẩy hoạt động của các trung tâm HTCĐ để đảm bảo một nền giáo dục mở rộng cho mọi người dân.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ đạo cần xác định rõ công cụ thực hiện việc xây dựng xã hội học tập ở nước ta phải dựa trên nền tảng của chính hệ thống các cơ sở giáo dục chính quy, tận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới là phát thanh, truyền hình để giáo dục từ xa và giáo dục mở rộng cho mọi nhóm đối tượng với chi phí thấp, đồng thời các Bộ, ngành chức năng phải bổ sung và hoàn chỉnh thêm để xây dựng được các chương trình đào tạo linh hoạt, phù hợp cho mọi người dân được đảm bảo quyền học tập trong suốt cuộc đời.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, việc xây dựng Đề án xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 cần tiến hành đồng bộ và bám sát vào các mục tiêu đặt ra để mang tính khả thi cao, theo đó các dự án thành phần cần đưa vào Đề án mới là: Dự án về Đề án Xóa mù chữ, phổ cập tin học và ngoại ngữ; Dự án Nâng cao trình độ và khả năng thích ứng nghề nghiệp cho người lao động; Dự án Nâng cao trình độ cho người lao động, nông dân; Dự án Nâng cao trình độ cán bộ, công chức viên chức; Dự án về đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức, nâng cao giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử và tổ chức cuộc sống cho mọi người dân.
Tại Nhật Bản, với dân số 120 triệu người, mỗi năm có 240 triệu lượt người tham gia học tập tại các trung tâm GDTX, trong khi đó, Việt Nam chỉ có 17 triệu lượt người trên dân số 87 triệu người tham gia học tập tại các trung tâm HTCĐ với mục tiêu nâng cao dân trí. |
Từ Lương