In bài viết

Đảm bảo thiết bị, thuốc, dịch truyền khi bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tăng cao

(Chinhphu.vn) – Trước tình trạng dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là ở Hà Nội (bệnh sốt xuất huyết) và miền Nam (bệnh tay chân miệng), Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế sẵn sàng thiết bị, thuốc, đặc biệt là dịch truyền.

30/08/2023 08:48
Đảm bảo thiết bị, thuốc, dịch truyền khi bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tăng cao - Ảnh 1.

Phun thuốc diệt muỗi ở những nơi có nguy cơ cao - Ảnh: VGP/HM

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần từ ngày 18-25/8, Thành phố ghi nhận 1.056 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 2 lần so với những tuần đầu tháng 8). Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 5.564 ca mắc (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Trong đó, huyện Thạch Thất có ghi nhận nhiều ca mắc nhất (656 ca), tiếp đến là Thanh Trì (467 ca), Hoàng Mai (459 ca), Bắc Từ Liêm (363 ca) và Hà Đông (332 ca).

Cũng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 81 ổ dịch sốt xuất huyết tại 19 quận, huyện, thị xã. Huyện Hoài Đức ghi nhận số ổ dịch cao nhất với 3 ổ dịch, tiếp đến là Nam Từ Liêm 9 ổ dịch, Đống Đa 8 ổ dịch; 3 quận, huyện là Hoàng Mai, Thanh Trì, Ba Đình mỗi nơi có 6 ổ dịch; 2 quận Hà Đông và Hai Bà Trưng mỗi nơi 5 ổ dịch; quận Cầu Giấy 4 ổ dịch; 3 quận, huyện là Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Xuân mỗi nơi 3 ổ dịch…

Tổng số ổ dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội từ đầu năm đến nay là 407. Hiện nay vẫn còn 153 ổ dịch tại 24 quận, huyện.

Tại khu vực phía nam, theo báo cáo của Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại TPHCM bắt đầu tăng từ giữa tháng 5 và tăng rất nhanh một tháng sau đó.

Tính đến đầu tháng 8, TPHCM ghi nhận 16.355 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2022. 

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở y tế dự phòng đảm bảo đủ nhu cầu về hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là hóa chất phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và máy phun hóa chất để thực hiện công tác xử lý ổ dịch triệt để, hiệu quả.

Bộ Y tế cho biết, hiện nay, các loại hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế trên thị trường đáp ứng được nhu cầu về phòng, chống dịch.

Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cả công lập và ngoài công lập đảm bảo sẵn sàng thiết bị, thuốc, đặc biệt là dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

Đối với dịch truyền Dextran là dung dịch cao phân tử, được dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng, Cục Quản lý dược đã cấp phép các hồ sơ đề nghị nhập khẩu dịch truyền Dextran chưa có giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Điều 68 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tổng số lượng dịch truyền đã cấp phép nhập khẩu là 17.010 túi. Theo báo cáo của cơ sở nhập khẩu, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng thuốc thực tế đã nhập về là 12.550 túi, trong đó số lượng thuốc đã cung ứng cho các bệnh viện là 5.118 túi. Số lượng thuốc còn tồn tại kho của cơ sở nhập khẩu là 7.432 túi.

Như vậy, hiện nay Việt Nam đã có nguồn cung ứng dịch truyền Dextran. Bộ Y tế nhấn mạnh, yếu tố cốt lõi quyết định việc đảm bảo cung ứng thuốc hiện nay là các đơn vị chủ động đặt hàng trước các doanh nghiệp nhập khẩu.

Hiền Minh