In bài viết

Dân chủ cơ sở và sự phát triển bền vững ở nông thôn hiện nay

Ở nước ta, nông nghiệp, nông thôn, nông dân là khu vực kinh tế, địa bàn, lực lượng quan trọng của nền kinh tế quốc dân và của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, sự phát triển, nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, sự ổn định chính trị -xã hội, cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.

05/09/2011 09:26
Phát triển bền vững là sự phát triển hướng tới và giải quyết tốt các vấn đề có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: Bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội và bền vững về môi trường. Điều này cũng có nghĩa là phát triển bền vững phải đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế nhanh và có hiệu quả, thực hiện công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển bền vững trở thành nhu cầu cấp bách, xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người và là con đường tất yếu của Việt Nam.

Ở nước ta, nông nghiệp, nông thôn, nông dân là khu vực kinh tế, địa bàn, lực lượng quan trọng của nền kinh tế quốc dân và của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, sự phát triển, nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, sự ổn định chính trị -xã hội, cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.

Phát triển bền vững ở nông thôn được biểu hiện bởi các tiêu chí sau: Kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững; hệ thống chính trị cơ sở hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiến bộ và công bằng xã hội được bảo đảm, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; môi trường văn hóa, xã hội phát triển lành mạnh và khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống.

Phát triển bền vững ở nông thôn gắn bó mật thiết với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nông thôn. Mối quan hệ đó được biểu hiện bởi các nội dung sau đây:

Một là, dân chủ ở cơ sở là điều kiện để kinh tế ở nông thôn phát triển bền vững; Hai là, dân chủ ở cơ sở là điều kiện để giữ vững sự ổn định chính trị-xã hội ở nông thôn; Ba là, dân chủ ở cơ sở là điều kiện để xã hội ở nông thôn phát triển bền vững; Bốn là, dân chủ ở cơ sở là điều kiện để bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, việc mở rộng dân chủ ở cơ sở đã đạt được những kết quả rất tích cực, thực sự góp phần tạo động lực thúc đẩy và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thu hút nhân dân tham gia quản lý nhà nước, tham gia kiểm tra, giám sát các hoạt động của Nhà nước. Việc phát huy dân chủ ở nông thôn góp phần khắc phục một phần tệ quan liêu, tham nhũng, mất dân chủ, xa rời quần chúng nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức ở cơ sở; đóng góp tích cực vào việc cải cách hành chính; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước. Tuy nhiên, cùng với những thành tích bước đầu đã đạt được, quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn cũng bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém, cụ thể là: các cấp ủy Đảng và chính quyền còn chưa thấy hết được tầm quan trọng, ý nghĩa sâu sắc, tính cấp thiết và lâu dài của vấn đề mở rộng dân chủ, cũng như phát huy quyền làm chủ của nông dân. Trong khi đó, trình độ dân trí của một bộ phận nông dân còn hạn chế, ý thức làm chủ chưa được nâng cao, sự hiểu biết về dân chủ, pháp luật còn chưa đầy đủ, tư tưởng tự do, vô tổ chức, vô kỷ luật, bè cánh, dòng họ còn khá nặng nề. Ở một số địa phương, khi thực hiện cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, có biểu hiện đố kỵ, không thích ai hơn mình, cái gì cũng phải đều nhau, níu kéo nhau, kìm hãm nhân tố tích cực.

Điều đó cho thấy tính chất phức tạp và không ít khó khăn của việc thực hiện dân chủ hóa ở nông thôn. Để khắc phục tình trạng nêu trên, cần quan tâm tới một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về thực hiện dân chủ ở cơ sở nông thôn.Các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể nhân dân cần tăng cường đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng. Cần kết hợp giáo dục, tuyên truyền nội dung về dân chủ ở cơ sở với nội dung đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, đặc biệt, là tăng cường giáo dục tuyên truyền về pháp luật, về quyền công dân, về nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân. Tiếp tục đổi mới phương thức, hình thức, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt hơn Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.Gắn việc tuyên truyền, giáo dục về dân chủ ở cơ sở với tuyên truyền, giáo dục xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới ở cơ sở; đa dạng hóa các nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục; kết hợp tuyên truyền, giáo dục thông qua các cuộc họp, qua phổ biến, quán triệt của cán bộ, đảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên, qua các phương tiện thông tin đại chúng; mở rộng việc tuyên truyền giáo dục qua các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thi tìm hiểu nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đặc biệt chú trọng xây dựng các lực lượng cộng tác viên trong tuyên truyền, giáo dục dân chủ ở cơ sở như cán bộ Hội cựu chiến binh, cán bộ đoàn viên, thanh niên, Mặt trận, Hội Nông dân, các già làng, trưởng thôn, nhất là đội ngũ giáo viên các trường phổ thông trong địa bàn dân cư.

Hai là, củng cố vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, tăng cường hiệu lực của bộ máy chính quyền cấp xã, thực hiện tốt chế độ dân chủ đại diện và chế độ dân chủ trực tiếp.Trước hết, các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị- xã hội cần nhận thức đầy đủ nội dung và yêu cầu của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, coi đây là những vấn đề trọng tâm, cấp thiết đang đặt ra trong hoạt động lãnh dạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở. Để nâng cao chất lượng hình thức dân chủ đại diện, một mặt cần củng cố quyền lực thực tế của các cơ quan đại diện, mặt khác mỗi tổ chức, mỗi đoàn thể phải thực hiện tốt việc tuyên truyền và thực hiện dân chủ ở cơ sở.Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế đảm bảo tự do, dân chủ, minh bạch trong bầu cử các cơ quan lãnh đạo, để nhân dân thực sự tham gia vào đời sống chính trị, thực sự kiểm soát được quyền lực chính trị mà họ ủy quyền. Trên tinh thần đó, thể chế chính trị cơ sở cần được đổi mới theo hướng:

- Thiết lập cơ chế, quy chế đảm bảo tự do, dân chủ, công khai trong bầu cử để lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia vào đời sống chính trị và lựa chọn đúng người ủy quyền. Tổ chức cạnh tranh chính trị trong bầu cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp xã theo đúng pháp luật.

- Khi ban hành các chủ trương, chính sách có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân phải đưa ra trao đổi với dân, có tổ chức hoặc đại biểu của dân giám sát quá trình đề ra quyết sách, thực thi chính sách và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chính sách. Lợi ích và quyền lực của đa số nhân dân là tiếng nói quyết định cuối cùng.
- Tất cả hoạt động của cơ quan, cán bộ cấp xã phải đặt dưới sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên của nhân dân. Nhân dân có quyền phê phán, tố cáo, lên án bằng nhiều hình thức khác nhau.

Ba là, hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật đồng bộ, tăng cường đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho việc xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở.Cần rà soát lại các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân; liên kết được bốn nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông nhằm nâng cao ý thức và hiệu quả dân chủ hóa nông thôn và nông nghiệp để xóa bỏ mọi rào chắn, vật cản để khơi dậy tiềm năng, trí sáng tạo trong dân, phát huy được mọi nguồn lực của dân. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong chính sách quản lý tài chính, các luật thuế nông nghiệp, luật đất đai, các khoản đóng góp của dân...

Kết hợp việc tuyên truyền phổ biến rộng rãi công khai chính sách, các luật với tổ chức thi hành nghiêm chỉnh các chính sách, các luật lệ đó trong thực tế. Khuyến khích việc xây dựng hương ước, quy ước của các thôn, làng, ấp, bản nhưng cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Nội dung của hương ước, quy ước phải vừa đảm bảo quyền lợi chung của cộng đồng, thực hiện tốt dân chủ của cộng đồng, đồng thời đảm bảo không trái pháp luật của Nhà nước và quyền lợi, trách nhiệm của cá nhân trước cộng đồng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phá bỏ các thủ tục rườm rà, gây phiền nhiễu cho dân. Chấn chỉnh lại quy chế tiếp dân, giải quyết các đơn thư tố cáo, kiến nghị của công dân từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương, tránh hình thức, mỵ dân. Cần quy định quyền hạn, trách nhiệm và thời hạn giải quyết cụ thể cho các cán bộ, các cấp chính quyền. Không để tình trạng tồn đọng kéo dài, lòng vòng, lẩn tránh trách nhiệm, đùn đẩy cho nhau. Cần thành lập những ban chức năng có đủ quyền hạn đặc biệt để giải quyết kịp thời tình hình khiếu kiện của dân.

Bốn là, gắn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở với nâng cao dân trí và phát triển toàn diện đời sống kinh tế- văn hóa- xã hội ở cơ sở nông thôn.Để thực sự có thể làm chủ tham gia quản lý xã hội, mỗi người dân phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ về mọi mặt. Nâng cao dân trí, đặc biệt là kiến thức về pháp luật để hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, có ý thức sống và làm việc theo pháp luật. Về chiến lược lâu dài, phải xóa bỏ tình trạng mù chữ, thất học, văn hóa thấp trong nông dân. Người nông dân chỉ làm chủ được bản thân, làm chủ xã hội khi có một trình độ dân trí nhất định, mù chữ đứng ngoài chính trị và cũng không thể xây dựng, thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu quả. Nâng cao dân trí và mặt bằng văn hóa chung phải đi trước một bước để mở rộng và nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện dân chủ cơ sở ở nông thôn.

Thực hiện tốt tất cả các khâu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân quyết định mà quy chế dân chủ đã đề ra. Nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở nông thôn cần đi thẳng vào những vấn đề cụ thể như phương hướng phát triển kinh tế-xã hội địa phương, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xử lý, đánh giá, sử dụng, đề bạt, cất nhắc cán bộ cần công khai, minh bạch, công bằng và dân chủ, đổi mới phương thức hoạt động của các đoàn thể nhân dân theo hướng thiết thực, hiệu quả vì lợi ích thiết thân của đoàn viên, hội viên và của cộng đồng.

Trong giai đoạn tới, phát triển bền vững ở nông thôn nước ta là một nhu cầu cấp thiết, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên chính là những điều kiện, tiền đề tối cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững ở nông thôn nước ta./.