|
Ảnh: VGP/Phương Dy
|
Tại hội thảo, bà Trần Hoàng Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại (VASEP PRO) cho biết, qua ghi nhận ý kiến các DN trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản thì hầu hết các DN đều cho rằng việc dán nhãn phụ trên bao bì nguyên liệu nhập khẩu có thể gây hiệu quả ngược.
Thực tế, VASEP đã nhiều lần kiến nghị với Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế lưu ý trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 89/2006/NĐ-CP cần quy định cụ thể không yêu cầu dán nhãn phụ đối với các nguyên liệu thủy sản nhập khẩu và sản xuất xuất khẩu (gồm cả gia công).
Tuy nhiên, cũng theo bà Yến, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã có công văn trả lời Hiệp hội nhưng chưa tháo gỡ được vướng mắc và Hiệp hội cũng chưa nhận được ý kiến chính thức trong giải quyết vướng mắc từ Bộ Y tế.
Một số ý kiến tại hội thảo cũng nêu vướng mắc trong quy định về dán nhãn sản phẩm tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT quy định về giấy tiếp nhận công bố hợp quy và xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP.
Theo các ý kiến này thì việc dán nhãn sẽ chỉ phù hợp khi DN nhập khẩu thực phẩm, nguyên liệu hoặc phụ gia thực phẩm để tiêu thụ trong nước. Còn việc nhập khẩu những mặt hàng này để sản xuất sản phẩm xuất khẩu hoặc làm nguyên liệu sản xuất thì không phù hợp và gây lãng phí lớn cho xã hội.
Có ý kiến cho rằng một số mặt hàng đã qua các quá trình kiểm nghiệm, giám sát về vệ sinh ATTP rất chặt chẽ, có giấy chứng nhận quy chuẩn rất cụ thể, do đó không nên phát sinh thêm việc dán nhãn. Trong khi việc dán nhãn có thể phát sinh các chi phí tốn kém, gây phiền hà đối với các DN, thậm chí chưa chắc đem lại hiệu quả khả thi mà chỉ nảy sinh các giấy phép con tiếp tay cho thực phẩm bẩn được hợp thức hóa trên thị trường.
Bà Lê Thị Trang, Phó Giám đốc thu mua Công ty CP thực phẩm GN Foods phản ánh, hiện nay Việt Nam đã hội nhập quốc tế nên quy định nguyên liệu nhập khẩu nhập kho vẫn phải dán nhãn phụ tiếng Việt là không cần thiết. Cụ thể như với nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để sản xuất rồi xuất khẩu hoặc gia công hàng xuất khẩu (không lưu thông, tiêu thụ trong nước) thì không thể phát sinh thêm nhãn phụ tiếng Việt vì không cần thiết.
“Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn thủ tục này nên chúng tôi không biết chính xác các chỉ tiêu kiểm tra khách hàng có phù hợp và đầy đủ không. Vì nếu chỉ tiêu kiểm tra không đủ, hồ sơ bị trả lại thì DN sẽ phải mất rất nhiều thời gian và nhiều khách hàng không hiểu, không hợp tác, tin tưởng DN, dẫn đến hợp đồng bị hủy bỏ, gây thiệt hại không nhỏ cho DN”, đại diện một DN xuất khẩu thủy sản tại TPHCM chia sẻ.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, thời gian qua, nhiều hội viên phản ánh theo quy định thời gian cấp giấy xác nhận công bố phù hợp ATTP là 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ dù là quá lâu, nhưng thực tế DN vẫn phải mất cả tháng trời để hoàn thành giấy xác nhận này. Bất cập nêu trên dẫn đến phát sinh chi phí lưu kho, lưu bãi và DN mất cơ hội kinh doanh do không nhận kịp hàng để giao cho khách hàng.
Không chỉ mất thời gian chờ đợi làm thủ tục, hồ sơ, nhiều DN cũng kêu ca tình trạng “phí đội phí” hiện nay trong các quy định kiểm soát nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu.
Điển hình như một số chỉ tiêu tính theo giá thị trường (quy định tại thông tư 149/2013/TT-BTC) cao hơn rất nhiều. Phí trước đây chỉ là 3,9 triệu đồng/lô nhưng hiện nay đã đội lên mức 8,125 triệu/lô, tăng thêm 4,225 triệu đồng, DN phải đóng thêm, gây không ít khó khăn cho DN, nhất là các DN vừa và nhỏ. VASEP cũng đã nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính cho phép gia vị nhập khẩu để chế biến xuất khẩu chỉ cần qua kiểm tra cảm quan, miễn kiểm tra vi sinh, hóa học để tránh phát sinh chi phí cho các DN xuất khẩu.
Tiếp thu, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của đại diện các DN tại hội thảo, bà Đỗ Thái Hà, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Chính phủ cho biết Thủ tướng Chính phủ đang rất quyết liệt trong sửa đổi, bổ sung các TTHC gây phiền hà, tốn kém chi phí và thời gian cho DN. Vì vậy, Cục Kiểm soát TTHC sẽ tăng cường hơn nữa để cải cách triệt để các phiền hà, tạo điều kiện cho DN tập trung vào các hoạt động sản xuất kinh doanh.