Ảnh minh họa |
VOV dẫn lời PGS.TS. Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý, sở dĩ nước ta đạt được mức sinh thấp một cách vững chắc vì người dân được tuyên truyền đã nhận thấy lợi ích của mô hình gia đình nhỏ; hệ thống dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hình thành, cơ bản đáp ứng nhu cầu của dân.
Theo dự báo, dân số nước ta vẫn tiếp tục tăng nhưng chậm lại. Năm 2025, nước ta sẽ có 100 triệu dân và tiếp tục tăng chậm lên đến khoảng 110 triệu vào giữa thế kỷ. Dân số đông là thị trường lớn hấp dẫn đầu tư, nhưng cũng là thách thức lớn về an ninh lương thực, năng lượng.
Ông Long cho rằng: “Muốn thay đổi GDP bình quân đầu người phải thay đổi năng suất và đồng thời mức độ thâm dụng lao động. Lực lượng lao động Việt Nam hiện nay sấp xỉ 58 triệu người nhưng tốc độ tăng năng suất thấp. Nếu bây giờ tăng năng suất của nhóm 58 triệu người thì hoàn toàn có thể áp dụng bài học của Hàn Quốc để thay đổi. Bây giờ thay đổi như thế nào, lĩnh vực gì… cần có tính toán rõ ràng”.
Về vấn đề già hóa dân số, nếu vẫn duy trì mức sinh như hiện nay, Việt Nam sẽ sớm trở thành nước có dân số già. Để giải quyết những hệ lụy của việc già hóa dân số, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc vận động, khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Lê Cảnh Nhạc cho biết, việc vận động, khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con là dựa trên cơ sở khoa học về kiểm soát quy mô dân số, cơ cấu dân số và quy luật phát triển nhân khẩu học của quốc gia, chứ không phải là cảm tính, tùy tiện.
Theo ông Lê Cảnh Nhạc, hiện nay, mặc dù cả nước đã đạt mức sinh thay thế, nhưng mức sinh của các vùng miền lại không đồng đều, vì có những vùng vẫn còn mức sinh cao, nhưng có vùng mức sinh lại xuống rất thấp.
Nếu nơi nào cũng có mức sinh thấp thì tốc độ già hóa dân số rất nhanh, nguồn nhân lực trong tương lai gần sẽ bị thiếu hụt, mất cân bằng giới tính sẽ nghiêm trọng hơn.
“Chúng ta thử hình dung, những người trong độ tuổi lao động nay mai sẽ trở thành người già. Nếu lực lượng trẻ bù đắp ít ỏi, khi đó người già đông hơn thì lấy ai làm ra của cải cho xã hội?”, lãnh đạo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình lo ngại.