Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương - Ảnh: VGP/Đình Nam |
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, chủ đề Hội nghị “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải” cho thấy bản chất của hoạt động hòa giải chính là công tác dân vận. Những mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, “Tổ hòa giải điển hình tiên tiến”, các tổ hòa giải, hòa giải viên tiêu biểu ở nhiều nơi đã khẳng định không vận động tốt không thể hòa giải có hiệu quả.
Quá trình hòa giải là quá trình tuyên truyền, vận động chính sách, pháp luật; nêu cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần tự nguyện, ý thức chấp hành pháp luật; gắn với lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; tạo sự đồng thuận, giải tỏa được vướng mắc, mâu thuẫn.
Đó cũng là quá trình phối hợp nhịp nhàng giữa MTTQ Việt Nam, ngành tư pháp, tòa án nhân dân, các cơ quan, tổ chức với chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cơ sở, cùng với việc quan tâm xây dựng, động viên đội ngũ hòa giải viên có uy tín, kiến thức, kinh nghiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải có hiệu quả.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Đình Nam |
Tại hội nghị, các đại biểu từ nhiều địa phương đã thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế của công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở và hòa giải đối thoại tại tòa án; nhận diện bối cảnh mới với những yêu cầu và thách thức mới đặt ra, từ đó đề xuất định hướng, giải pháp hữu hiệu, thiết thực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải, đối thoại tại tòa án trong thời gian tới gắn với vai trò của công tác dân vận.
Hơn 20 năm qua, với sự tham gia tích cực của MTTQ Việt Nam, ngành tư pháp, chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền ở cơ sở, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Con số gần 100.000 tổ hòa giải cơ sở, 600.000 hòa giải viên, gần 900.000 vụ, việc đã được tiến hành hòa giải trong 5 năm qua với tỷ lệ 80,6% hòa giải thành mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc, không chỉ hàn gắn những xích mích, mâu thuẫn phát sinh, mà còn tăng cường sự hiểu biết, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, thắt chặt tình cảm, góp phần cho sự bình yên, ổn định, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các địa bàn dân cư.
Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã có sự gắn kết với công tác dân vận. Hòa giải viên ở cơ sở là người gần dân, sát dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân, trong quá trình hòa giải họ không chỉ dùng uy tín, đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà còn phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để nâng cao nhận thức pháp luật và xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong nhân dân.
Kết quả hòa giải thành ở cơ sở không có kẻ thắng, người thua mà hàn gắn và khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, không để tranh chấp bùng phát thành điểm nóng. Bởi thế, việc sử dụng kỹ năng “dân vận khéo” là rất cần thiết để đạt được hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở. Nắm được “bí quyết” này, nhiều hòa giải viên ở cơ sở đã quan niệm mình là sợi dây kết nối giữa Đảng với người dân.
Lãnh đạo Trung ương và các bộ, ngành, địa phương dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Đình Nam |
Nhắc đến vai trò của MTTQ các cấp trong công tác hòa giải, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, muốn hòa giải hiệu quả cần phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt, người tiêu biểu, có uy tín ở cộng đồng; cần nắm chắc luật pháp, phân công phải rõ vai, đúng người, đúng việc. Trong hòa giải phải kiên trì, nắm được tâm tư, nguyện vọng, vận dụng vào từng trường hợp cụ thể. Nắm chắc, dự đoán lĩnh vực nào dễ phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột; đặc thù của vùng thành thị, vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào công giáo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Là một cơ quan có vai trò quan trọng trong công tác hòa giải, Chánh án Toàn án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, hòa giải là một thiết chế đa năng, giải quyết hòa thuận tất cả các xung đột trong đời sống, tạo sự đồng thuận, giữ gìn tình đoàn kết trong xã hội.
Để hòa giải thành công, không chỉ có hiểu biết pháp luật và chuyên môn sâu, điều quan trọng là mỗi hòa giải viên cần có tấm lòng nhân ái và thiện tâm. Từ thực tiễn, tất cả các vụ án hòa giải thành đều có phương pháp dân vận khéo ở trong đó, là phương pháp vận động, đụng chạm đến trái tim, làm thức tỉnh lòng cao thượng, sự vị tha, sẵn sàng chia sẻ, cảm thông của các bên tranh chấp, từ đó có được sự thành công.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, các hòa giải viên, tổ hòa giải ở cơ sở góp phần làm đổi mới công tác dân vận ở chính quyền, làm cho môi trường xã hội Việt Nam ổn định, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.
Đề cập đến chủ đề của năm 2020 là “Năm dân vận khéo”, Phó Thủ tướng cho rằng, không chỉ các hoà giải viên, tổ hoà giải mà cán bộ chính quyền các cấp cần nắm chắc quy định của pháp luật; các thực tiễn tốt trong việc áp dụng, diễn giải, xử lý theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, muốn “khéo” thì phải có lý, có tình, không chỉ hòa giải viên, các tổ hoà giải mà cán bộ chính quyền các cấp phải thực sự vì dân; muốn dân hiểu phải có uy tín, nói trên quan điểm của nhân dân, xuất phát từ tấm lòng.
Trong hoà giải nói riêng, thực hiện công tác dân vận nói chung, hoà giải viên, cán bộ các cấp cần nắm sát tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cũng như những bất cập trong cơ chế, chính sách, thậm chí pháp luật, qua đó là một kênh quan trọng để phản biện và hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Đình Nam