In bài viết

Về làng gốm 500 tuổi xem bảo tàng 'chúa sơn lâm'

(Chinhphu.vn) - Bàn bàn tay khéo léo, tài hoa, các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) đã tạo ra những bức tượng hổ mạnh mẽ, tươi vui, gửi gắm mong bắt đầu năm mới Nhâm Dần với nhiều khởi sắc sau thời gian khó khăn.

29/01/2022 07:31

Nép mình bên hạ lưu sông Thu Bồn, làng gốm Thanh Hà được hình thành từ thế kỷ 15. Nơi đây như một bảo tàng sống thu nhỏ với những nguồn tư liệu quý giá về nghề gốm cổ truyền, cũng như đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân xứ Quảng.

photo-1642783493633

Người dân làng gốm tạo ra những sản phẩm mang màu sắc, hương vị Tết. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người dân làng gốm Thanh Hà lại tất bật "đỏ lửa" để làm ra những sản phẩm mang màu sắc, hương vị Tết cổ truyền dân tộc như tò he, linh vật, bình gốm sứ…

Anh Nguyễn Văn Hoàng (38 tuổi), trú phường Thanh Hà, Hội An đang hoàn thiện các khâu cuối cùng để cho ra lò tượng những chú hổ, kịp trưng bày  dịp Tết Nguyên đán này.

Anh Hoàng chia sẻ sinh ra trong gia đình có truyền thống nên sớm được tiếp cận với những món đồ gốm. Sau này, nghề gốm được phát triển, kết hợp phục vụ du lịch tạo thu nhập ổn định cho người dân trong làng cũng như gia đình. Trong 2 năm qua, do gặp nhiều khó khăn, anh phải làm thêm nhiều việc khác để có thu nhập nhưng chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề truyền thống của cha ông.

Đặc biệt vào năm Nhâm Dần 2022, anh Hoàng làm nhiều pho tượng hổ với kích cỡ, hình dáng khác nhau như hổ đứng, hổ vồ, hổ ngồi... để trưng bày phục vụ nhu cầu của người dân và du khách. "Về thân hình, chân, đuôi thì tạo hình dễ, nhưng khó nhất là tạo khuôn mặt..., bởi đó là nơi thể hiện thần thái của bức tượng mà nghệ nhân muốn gửi gắm", anh Hoàng chia sẻ.

photo-1642783521699

Theo anh Hoàng, khó nhất là tạo ‘thần thái" khuôn mặt hổ. Ảnh.VGP/Lưu Hương

Việc hoàn thiện tượng "Ông Ba mươi" đòi hỏi sự tỉ mỉ ở nhiều công đoạn. Đất sét được lựa chọn rất kỹ, cắt từng miếng lớn rồi cuộn tròn lại thành hình khối rỗng ruột. Sau đó, người thợ bắt đầu tạo hình, nắn từng bộ phận, rồi phơi khô, chuyển vào lò nung và việc vẽ sơn lên sản phẩm là khâu cuối cùng.

Làng nghề dựa nhiều vào hoạt động du lịch, 2 năm vừa qua bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm không còn đông như xưa, những chú hổ này được tạo ra nhằm gửi gắm niềm hy vọng một năm mới mạnh mẽ, khởi sắc hơn.

photo-1642783525362

Những chú hổ với những hình dáng kích thước khác nhau. Ảnh.VGP/Lưu Hương

"Hiện chính quyền địa phương đặt hàng 6 chú hổ với giá 2 triệu đồng/con. Những pho tượng này sẽ được đặt trên các bức phù điêu đế sẵn xung quanh làng gốm để trưng bày chào đón năm mới. Ngoài ra, du khách có thể chiêm ngưỡng, chụp hình với con giáp của năm 2022", ông Nguyễn Hào, Phó Trưởng Ban quản lý làng gốm Thanh Hà cho biết.

photo-1642783528635

Những tượng hổ sẽ được trưng bày để chào đón năm mới.Ảnh.VGP/Lưu Hương

"Trong dòng chảy gốm sứ Việt cổ có sự kết nối văn hoá cả về thời gian và không gian, với những dòng chuyển lưu trong nội địa và giao lưu với bên ngoài. Làng gốm Thanh Hà một ví dụ điển hình vừa mang đậm văn hoá xứ Quảng vừa có sự giao lưu, tiếp biến với nhiều nền văn hoá.

So với tượng linh vật hổ ở nhiều nơi, 'ông hổ' qua bàn tay nghệ nhân làng gốm Thanh Hà vẫn giữ được biểu tượng sức mạnh của chúa sơn lâm lại không có nét dữ dằn. Điều này phản ánh nét văn hoá hồn hậu của con người đất Quảng", bà Ngô thị Thu Hương, cán bộ Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ đánh giá.

Lưu Hương