In bài viết

Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài- giao huyện liệu có khả thi?

(Chinhphu.vn) – Một trong những quy định được nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn, lo ngại là dự thảo Luật Hộ tịch (sửa đổi) phân cấp thẩm quyền đăng ký kết hôn (ĐKKH) có yếu tố nước ngoài cho Phòng Tư pháp cấp huyện.

28/10/2014 13:09
Sáng nay (29/10), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật Hộ tịch (sửa đổi) và nghe báo cáo về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Một trong những quy định được nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn, lo ngại là dự thảo Luật Hộ tịch sửa đổi phân cấp thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cho Phòng Tư pháp cấp huyện. Theo nhiều đại biểu, việc phân cấp thẩm quyền này cho Phòng Tư pháp cấp huyện trong điều kiện hiện nay là khó khả thi, bởi năng lực, trình độ của cán bộ tư pháp cấp huyện chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra, nhất là về ngoại ngữ.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (đại biểu tỉnh Hòa Bình), đại biểu Bùi Văn Xuyền (tỉnh Thái Bình) cho rằng, phân cấp như vậy rồi liệu cán bộ tư pháp cấp huyện có đủ trình độ ngoại ngữ, năng lực chuyên môn về thẩm tra và phối hợp với các ngành để xác định nhân thân các bên liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục phức tạp như cấp đăng ký kết hôn với người nước ngoài.

Trên cơ sở đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành về việc giao thẩm quyền này cho cấp tỉnh thực hiện như hiện nay là hợp lý.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP. HCM) và đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP. Hà Nội) cho rằng, trình độ và năng lực của công chức tư pháp cấp huyện còn hạn chế mà giao ngay công việc trên  sẽ khó phù hợp với thực tiễn.

Giải trình thêm về quy định này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban soạn thảo cho biết: Quy định hiện nay đang tạo sự quá tải cho cấp tỉnh, nhiều lãnh đạo tỉnh khi ký đăng ký kết hôn cho công dân với người nước ngoài mà không biết đối tượng được ký như thế nào mà đều do Sở Tư pháp trình, sau khi thẩm tra.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng “trấn an” đại biểu khi nhấn mạnh rằng, các hồ sơ đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài khi chuyển đến Phòng Tư pháp và cán bộ tư pháp cấp huyện để thực hiện đăng ký hộ tích có yếu tố nước đều ghi bằng tiếng Việt với các quy định cụ thể của các thủ tục liên quan như công chứng, bản dịch, xác minh thân nhân của các bên có liên quan đều được thực hiện đúng trình tự pháp luật trước khi hồ sơ được chuyển đến Phòng Tư pháp và cán bộ tư pháp cấp huyện xem xét, giải quyết. Điều này sẽ tránh được quá tải cho cấp tỉnh và tập trung vào một đầu mối, thực hiện cải cách hành chính cũng như tạo thuận lợi cho công dân và Nhà nước.

Một trong các quy định được nhiều đại biểu kiến nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là Luật cần quy định tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em dưới 14 tuổi và thực hiện trích yếu Giấy khai sinh cho các trường hợp cấp lại khi công dân có yêu cầu.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (tỉnh Thái Bình), Nguyễn Thị Tuyết Thanh (tỉnh Quảng Nam), Trần Văn Tấn (Tiền Giang), Trần Thị Quốc Khánh (TP. Hà Nội) đều cho rằng Giấy khai sinh là loại giấy tờ đầu tiên của một công dân mới ra đời, là cơ sở để cấp các loại giấy tờ khác sau này. Do đó, cần tiếp tục cấp Giấy khai sinh để trẻ em được hưởng đầy đủ quyền lợi của mình bởi quá trình thực thi hiện nay cũng không có vướng mắc gì.

Đây là phương án được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Ban soạn thảo ủng hộ và tạo sự liên thông giữa các giấy tờ, nhất là khi giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền của trẻ em. Còn việc cấp thẻ căn cước công dân sẽ được thực hiện khi đủ 14 tuổi, theo dự thảo Luật Căn cước công dân do Bộ Công an soạn thảo cũng được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.

Lê Sơn