Ảnh minh họa |
Ông Vũ Văn Nam (vannam.tcdn@...) cho rằng, CMND không nên nêu họ tên cha mẹ vì rất nhiều lý do ... “Hiện nay công nghệ thông tin đã phát triển cao. Thông tin này nên để cơ quan chức năng tra cứu trong website hay hệ thống mạng riêng của cơ quan an ninh, chỉ cần nhập vào số CMND hệ thống sẽ truy xuất ra chi tiết thông tin. Để cho thuận tiện thiết thực theo tôi nên đưa nhóm máu của cá nhân vào CMND của chính mình nếu có thể, việc này rất có ích với nhu cầu thực tế khi không may xảy ra sự cố”, ông Nam đề xuất.
Độc giả Nguyễn Ngọc Thanh (thaaaanh@...) viết: “CMND là giấy tờ tùy thân được sử dụng nhiều nhất trong các quan hệ, giao dịch của mỗi người nên thông tin trên CMND cần được cân nhắc cụ thể, không nên chỉ vì tiện cho quản lý mà đẩy sự "bất tiện" sang người khai CMND”.
Theo ông Thanh, Bộ Công an chưa nên triển khai việc cấp giấy CMND theo mẫu mới mà nên tham khảo thêm các ý kiến phản hồi của người dân và các chuyên gia để điều chỉnh cho phù hợp.
Cho rằng việc đưa tên cha, mẹ vào CMND sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề nhạy cảm vì CMND được sử dụng trong nhiều giao dịch hàng ngày, bà Nguyễn Thanh Thúy lý giải: Với những người có hoàn cảnh khác những người bình thường thì mỗi khi phải xuất trình CMND, chắc chắn người này sẽ cảm thấy không thoải mái khi mình không có tên cha, hoặc có ai đó "thắc mắc" khi nhìn thấy sự "bất thường" trên CNMD của họ. Điều này cũng có thể khiến họ tự ti trong các giao dịch, hoặc sẽ luôn nhắc đến một "nỗi đau" khó giãi bày.
Bạn Hoàng Anh Tuấn (anhsangmoi_1985@...), Chu Phương Anh (Hnanhphuong@...) nêu: Giấy CMND mới cải tiến là đúng rồi, nhưng nếu đưa cả họ tên cha, mẹ vào CMND thì chưa hẳn phù hợp.
Độc giả Nguyễn Lê Hiếu (hieuql@...) băn khoăn: “Từ trước tới giờ sử dụng CMND cũ không hề có vấn đề gì khi không có tên cha mẹ, vậy tại sao giờ lại phải thêm thông tin này vào CMND. Cơ quan chức năng cần xem xét lại qui định này và chưa nên áp dụng ngay tại 3 quận, huyện của Hà Nội như dự kiến”.
“CMND ghi thông tin càng đơn giản càng tốt”, là quan điểm của bà Nguyễn Thị Ánh Hồng (anhhongpink@...). Theo bà Hồng, trong cuộc sống hiện đại, việc số hoá thì để giấy tờ càng "thông minh" càng cần phải ngắn gọn, đơn giản nhưng hiệu quả, không nên ghi quá nhiều thông tin như tên cha mẹ. Chủ yếu là vân tay chứ các thông tin khác luôn có sự thay đổi theo thời gian. “Mục quê quán tôi cũng thấy không cần thiết vì trước đó tôi đã khai địa chỉ thường trú rồi, sao lại phải cần khai quê quán vào nữa?”, bà Hồng nêu.
Trao đổi về vấn đề liên quan đến quyền trẻ em khi ghi tên cha mẹ trên CMND, ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, việc ghi tên bố, mẹ vào CMND là điều không cần thiết.
“Vấn đề đặt ra là tại sao phải ghi vào, nếu vì lý do để cơ quan chức năng quản lý tốt hơn thì chưa thỏa đáng, vậy thì còn lý do riêng tư cá nhân thì sao. Mặt khác, chưa tính đến hậu quả kẻ xấu lợi dụng thông tin trên CMND để làm những điều bất lợi cho người có CMND. Vì vậy, cơ quan chức năng cần cân nhắc kỹ hơn trước khi áp dụng”, ông Hữu nêu ý kiến.
Trả lời Cổng TTĐT Chính phủ, phía Bộ Công an cho biết, Bộ đã tiếp nhận những ý kiến phản ánh của người dân qua các phương tiện thông tin đại chúng và đang nghiên cứu, xem xét đề xuất sửa đổi.
Trước mắt, Bộ Công an chưa triển khai thực hiện thí điểm cấp CMND theo mẫu mới tại 3 quận, huyện Hoàng Mai, Tây Hồ, Từ Liêm, Hà Nội.
Thu Hằng-Minh Diễm thực hiện
Tin liên quan
> Chứng minh nhân dân mới: Cải tiến và bất cập phát sinh