In bài viết

'Đánh đâu trúng đó' - quyết tâm loại trừ thực phẩm bẩn

(Chinhphu.vn) - TPHCM là địa phương đầu tiên thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP). Ban Quản lý ATTP hoạt động hiệu quả sẽ đóng góp quan trọng, giải quyết tốt vấn đề vệ sinh thực phẩm của thành phố lớn nhất đất nước.

10/03/2017 07:43

Bà Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: VGP/Phương Liên

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - được điều động, bổ nhiệm giữ chức Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM, đã có cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về mô hình đơn vị thí điểm đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập này.

Xây và chống

Những công việc đầu tiên của Ban Quản lý ATTP của TPHCM sẽ là gì, thưa bà?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Đầu tiên sẽ là kiện toàn bộ máy tổ chức. Nhưng không có nghĩa là đợi kiện toàn xong mới làm việc, mà chúng tôi vẫn duy trì những hoạt động trước đây.

Các bộ phận của Ban chỉ bao gồm 2 phần: Xây và chống. Xây là xây dựng thực phẩm sạch: Tiếp tục xây dựng Đề án chuỗi thực phẩm sạch cho Thành phố, cũng như tăng cường kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm bẩn từ nguồn. 80% nông sản, thực phẩm sống chuyển về TPHCM là từ các tỉnh bên ngoài. Chúng tôi sẽ tăng cường những việc này, cũng như phải xây dựng các quy chuẩn.

Vấn đề thứ hai là chống thực phẩm bẩn. Thực phẩm bẩn gồm hai loại. Thứ nhất là bẩn từ nguồn với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, phụ gia… Cái bẩn này là hết sức nguy hiểm, vì những phần sau dù làm tốt tới đâu mà từ nguồn đã bẩn rồi thì không còn ý nghĩa gì nữa và tác hại đối với người tiêu dùng rất lớn.

Cái bẩn thứ hai là trong quá trình lưu thông phân phối có những hành vi gian lận, ví dụ như bơm nước vào gà, bò, heo… Trong quá trình bảo quản thì không giữ gìn điều kiện vệ sinh, điều kiện nhiệt độ. Rồi tới những mối nguy từ các bếp ăn tập thể.

Cho nên, chúng tôi sẽ tăng cường xây dựng lại hệ thống thanh tra xuống tận các quận, huyện. Ở đây không phải như từ trước tới giờ chúng ta “xuân thu nhị kỳ” có các đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập rồi mới đi kiểm tra. Tôi có nhiều năm làm quản lý nhà nước về ngành dược, tôi từng nói thanh tra như vậy không hiệu quả, không phản ánh được thực tế. Sau khi đoàn đi thì đâu lại vào đó, chưa kể khi thành lập đoàn rầm rộ như vậy, ở cơ sở người ta giấu hết rồi, lấy gì mà thanh tra.

Giờ đây chúng tôi lập đội ngũ thanh tra tới tận địa phương và có đội ngũ thường trực giống như quản lý thị trường đến tận quận, huyện. Chúng tôi không tăng biên chế, mà có sẵn lực lượng từ y tế, từ nông nghiệp, giờ chia theo địa bàn; sẽ có biện pháp giám sát và luân chuyển để tránh tiêu cực.

Tại Ban Quản lý ATTP TPHCM, chúng tôi cũng có các đội thanh tra riêng về những đối tượng đặc biệt nếu có tin nhắn tố giác; có những đợt, những nội dung trọng tâm của từng thời kỳ cho phù hợp, ví dụ như kiểm tra các bếp ăn tập thể… Còn đối với thức ăn đường phố, đó là trách nhiệm của các đội thanh tra ở quận, huyện.

Song song với đó là tăng cường hệ thống kiểm nghiệm và đề xuất cơ chế kiểm nghiệm sao cho phù hợp. Đây là thực phẩm chứ không phải là thuốc. Thuốc khi lấy mẫu có thể ách toàn bộ lô hàng, đến khi có kết quả kiểm nghiệm, đạt hay không đạt mới cho lưu hành. Nhưng thực phẩm nếu ách lại thì hỏng hết và người ta sẽ kiện. Cho nên, mình phải phát huy tác dụng sàng lọc của những xét nghiệm nhanh.

Thêm nữa, chúng ta cần phải tăng cường công tác nắm bắt thông tin để “đánh đâu, trúng đó”. Nghĩa là biết lô hàng đó chắc chắn có vấn đề thì giữ hàng lại, kể cả chủ hàng có kiện, để chờ kết quả kiểm nghiệm.

Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và của cả người dân. Ảnh minh họa

Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, sẽ có những chương trình phối hợp cùng các doanh nghiệp, trung tâm dinh dưỡng để hướng dẫn cho người dân làm sao để lựa chọn thực phẩm cho đúng, bảo quản, xử lý, chế biến cho đúng để không những sạch mà còn tốt cho sức khỏe.

Trên trang web của Ban, chúng tôi sẽ công khai những địa chỉ, những sản phẩm vi phạm để người dân tránh và tẩy chay; công khai địa chỉ, chuỗi thực phẩm, thương hiệu mà chúng tôi đánh giá là an toàn để người dân tham khảo và sử dụng.

Trong chuỗi thực phẩm sạch, không phải cơ sở được cấp giấy chứng nhận đồng nghĩa là công nhận cơ sở đó sạch mãi đâu, vì thế chúng tôi sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, giám sát.

Đối với người hành nghề, với doanh nghiệp, chúng tôi sẽ cải cách thủ tục hành chính ở cấp độ 4: Cấp phép trên mạng và mọi thông tin đều công khai, minh bạch. Bên cạnh đó là việc tăng cường tập huấn cho các doanh nghiệp, muốn được cấp phép thì phải đạt những điều kiện gì.

Đội ngũ thanh tra cũng sẽ được tập huấn để đồng bộ, thống nhất, để người dân và doanh nghiệp khi bị thanh tra phải “tâm phục, khẩu phục”.

Tất cả những việc nói trên sẽ được triển khai thực hiện ngay trong năm nay.

Thanh tra 24/24 giờ tại chợ đầu mối

Việc kiểm soát chặt thực phẩm ở các chợ đầu mối sẽ được Ban Quản lý ATTP thực hiện như thế nào?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Ở TPHCM có 3 chợ đầu mối, cung cấp chủ yếu cho các chợ cóc, chợ dân sinh. Chúng tôi sẽ có đội thanh tra túc trực 24/24 giờ và chịu trách nhiệm về những hành vi gian lận trong suốt quá trình diễn ra ở chợ này. Đồng thời sẽ cùng ngành công thương, ngành nông nghiệp bảo đảm điều kiện về vệ sinh ở các chợ đầu mối cũng như bảo đảm về truy xuất nguồn gốc.

Hãy là người tiêu dùng thông minh khi lựa chọn thực phẩm cho mình và gia đình. Ảnh minh họa

Bà có đề xuất gì về hình thức xử lý các vụ việc nếu phát hiện vi phạm ATTP?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Chúng tôi sẽ thống kê, sàng lọc để đề xuất tăng mức phạt, nếu như không tăng được ở cả nước thì ít ra thì cũng đặc thù ở TPHCM, vì những vi phạm nếu xảy ra ở Thành phố thì sẽ rất lớn.

Phạt là phải có tính răn đe, để vi phạm rồi thì sợ không dám vi phạm nữa.

Nếu người dân cũng muốn tham gia giúp Ban Quản lý ATTP thì phải làm thế nào, thưa bà?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Như vậy thì quá mừng. Điều đó chứng tỏ người dân có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của mình.

Tôi biết, nhiều vụ việc, cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn người dân biết cả đấy, nhưng vì nhiều lý do nên không tố giác. Có người thì do sợ bị trả thù, nhưng có người lại nghĩ rằng, kệ thiên hạ, mình biết nó bẩn nên mình tránh không ăn, mà không nghĩ tới hệ lụy lâu dài khi nhiều người, trong đó có cả người quen, người thân của mình ăn phải thực phẩm bẩn.

Cơ sở sản xuất thực phẩm chắc chắn là cần diện tích lớn, rồi tiếng động, tiếng ồn, rồi tiêu thụ sản phẩm… Nếu nói người dân không biết, tổ dân phố không biết, phường-xã không biết… là vô lý.  

Chúng tôi sẽ thiết lập đường dây nóng cũng như hộp thư góp ý để người dân dễ dàng thông tin. Chỉ cần một tin nhắn, một cú điện thoại báo địa chỉ là đủ để chúng tôi đi xác minh. Còn nếu người dân có những phương tiện để chụp hình thì càng tốt. Chúng tôi sẽ báo lực lượng túc trực ở quận, huyện đi xác minh ngay. Và nếu có sự vụ đó thực, chúng tôi sẽ tung lực lượng để làm lớn.

Vừa quyết liệt vừa thận trọng

Bà có nói rằng, mô hình Ban Quản lý ATTP là mô hình mới nên sẽ vừa quyết liệt, vừa thận trọng? Bà có thể nói rõ hơn?

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Chắc chắn là phải quyết liệt rồi. Quyết liệt để làm nhanh, nhưng làm nhanh không có nghĩa là làm ẩu.

Bên cạnh đó, rất cần sự thận trọng trong hành động. Nếu chúng ta công bố cơ sở này, cơ sở kia vi phạm mà ta không có kiến thức luật vững chắc, bằng chứng vững chắc thì người ta có thể kiện ngược lại. Và việc thiếu thận trọng có thể ảnh hưởng rất lớn tới xã hội, ví dụ như vụ việc nước mắm vừa rồi.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đặt quyết liệt là hành động, mục tiêu chính, vì vấn đề thực phẩm ảnh hưởng rất lớn tới người dân, tới tương lai của cả đất nước.

Cảm ơn bà!

Phương Liên (thực hiện)