Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng; Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức; Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy; Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Nam; Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội Chu Mạnh Hùng; Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội Đoàn Trung Kiên.
Đây là diễn đàn khoa học mở cho các nhà khoa học pháp lý, các chuyên gia trao đổi, thảo luận, phân tích và đánh giá thực trạng chính sách, pháp luật về nhà giáo, từ đó đóng góp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về Nhà giáo ở Việt Nam,
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết: “Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo là nhân tố rất quan trọng đối với chất lượng giáo dục, đào tạo, điều này đã được thể hiện rõ trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước. Chính vì thế, chúng ta cần có một đạo luật quy định rõ để phù hợp với yêu cầu thực tiễn đề ra”. Theo đó, việc xây dựng Luật Nhà giáo là vấn đề lớn, cần nghiên cứu một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng, tổ chức nhiều hội nghị với nhiều đối tượng tác động khác nhau, lấy ý kiến của các sở Giáo dục và đào tạo, chuyên gia chuyên sâu về luật.
Theo TS. Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành Giáo dục, là khâu đột phá trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao - khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, nhà giáo chưa thực sự được coi trọng và phát huy năng lực; cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ, tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn tồn tại; chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh đối với đội ngũ nhà giáo chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành; công tác quản lý nhà nước đối với nhà giáo đã bộc lộ những bất cập nhất định.
Xuất phát từ thực tiễn trên đây, rất cần có những chính sách mạnh mẽ, đột phá hơn nữa về nhà giáo để nhà giáo thực sự được tôn vinh. Với mong muốn trở thành một điểm đến của tri thức và là diễn đàn rộng rãi để các nhà nghiên cứu, các giảng viên gặp gỡ, trao đổi, TS. Chu Mạnh Hùng hy vọng rằng đây thực sự là một diễn đàn khoa học bổ ích với tiếng nói từ các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục để góp phần hoàn thiện chính sánh, pháp luật về nhà giáo trong thời gian tới.
Sau quá trình chọn lọc, gửi thẩm định độc lập, Ban Tổ chức Hội thảo chọn lựa được 15 báo cáo có chất lượng tốt để đăng trên Kỷ yếu Hội thảo, trong đó có 08 báo cáo được trình bày trực tiếp tại Hội thảo. Các báo cáo đều tập trung đóng góp ý kiến cho việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về nhà giáo. Cùng với những ý kiến phát biểu của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý tại phiên thảo luận, Hội thảo đã luận bàn và góp ý về nhiều quy định, nhiều khía cạnh của pháp luật điều chỉnh về chính sách đối với nhà giáo.
Trên cơ sở kết quả của Hội thảo, Ban tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp các quan điểm, ý kiến tại Hội thảo thành văn bản góp ý chung của các đơn vị đồng tổ chức để gửi đến cấp có thẩm quyền, từ đó góp thêm những ý kiến có giá trị, thể hiện trách nhiệm của giới luật học và chính sách trước Đảng, trước Nhân dân đối với sự phát triển của đất nước.
LS